Trên đường đưa chúng tôi đi thăm thác A Nor ở xã Hồng Kim, một trong những điểm du lịch sinh thái của huyện, anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện tâm sự: “A Lưới có nhiều thuận lợi về vùng sinh thái và văn hoá, lịch sử, nếu được sự chú ý đúng mức và đầu tư thỏa đáng, A Lưới sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước…”.
Vừa đặt chân đến, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ của chuỗi thác liên hoàn A Nôr, cùng tiếng thác đổ ầm ào như tiếng vọng ngàn đời của núi rừng. Hôm đó, người dân của làng mới Việt Tiến hiếu khách tận tình dẫn chúng tôi tham quan khu nhà sàn, tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng và hướng dẫn chúng tôi làm các món ăn đặc sản của đồng bào...
Cùng với tiềm năng du lịch sinh thái, A Lưới còn là nơi hội tụ những bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em Pa Cô – Tà Ôi – Ka Tu – Pa Hy – Vân Kiều và Kinh. Đó chính là những tập tục sinh hoạt của đồng bào qua nhiều thế hệ, các làng nghề truyền thống, các món ăn dân gian và nguồn văn hóa vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, mảnh đất A Lưới và con người nơi đây đã ghi bao chiến công oanh liệt với nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử, như cụm địa đạo Động So, Lam Sơn, Puúc, AĐoon, ABó, địa đạo Cốp, Tà Lương, đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm – Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), động Tiên Công; các sân bay ASo, A Lưới, A Co… Đó là điều kiện thuận lợi để A Lưới phát triển loại hình du lịch di tích lịch sử cách mạng.
Anh Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện là người rất tâm huyết với loại hình du lịch văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc A Lưới. Hôm ở A Lưới, tôi được anh Ngoan dẫn đi tham quan tìm hiểu các nhà truyền thống của đồng bào. Anh Ngoan giảng giải: “Nhà Rông của người Tà Ôi và nhà Gươl của người Ka Tu là biểu tượng của cộng đồng, là linh hồn của làng, bản và tộc người. Cấu trúc ngôi nhà được thiết kế độc đáo dưới bàn tay tài nghệ của các nghệ nhân, bên trong ngôi nhà được chạm khắc công phu, trang trí rất tài tình. Nơi đây sẽ diễn ra tất cả các công việc liên quan đến cộng đồng dưới sự điều khiển của Già làng như hội họp, cúng bái, tiếp khách…”. Anh say sưa kể về những lễ hội của các dân tộc nơi đây như: Lễ A riêu caar, Lễ A riêu Ada (Lễ mừng lúa mới), Lễ A Riêu Piing (lễ giỗ tổ tiên, quy tập mồ mả), Lễ hội cầu mùa (A riêu tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ dân làng)... cùng với nét văn hoá ẩm thực của đồng bào rất đa dạng, phong phú. Nằm trong “tour” du lịch cộng đồng này, chúng tôi còn được tận mắt chứng kiến tài nghệ của bàn tay những người phụ nữ Tà Ôi thoăn thoắt bên những khung dệt thổ cẩm truyền thống (Zèeng) mang đậm bản sắc của văn hóa tộc người nơi đây...
Chúng tôi cũng được biết, dự án du lịch Mê Kông của tỉnh đã đầu tư tại huyện A Lưới để phát triển loại hình du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng tại các xã Hồng Kim, A Roàng và Nhâm, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn trong tương lai. Cùng đó, Ban Chỉ đạo 33 (Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam) và UBND tỉnh hiện đang triển khai đề án xây dựng Khu chứng tích chiến tranh hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam tại huyện A Lưới. Huyện đang tập trung tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ cho các thành phần kinh tế phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại... trên địa bàn.
Với tiềm năng và lợi thế của mình, A Lưới được xác định là cụm du lịch thứ ba của tỉnh, được đưa vào danh mục dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng số vốn 25 triệu USD (thực hiện từ nay đến năm 2020). Sự tác động của du lịch, thương mại sẽ có tác dụng kích cầu, thúc đẩy nền kinh tế đa dạng, nhiều thành phần phát triển, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Động lực phát triển đô thị
Bước chậm trên “con phố” Hồ Chí Minh tại trung tâm huyện lỵ, anh Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới bảo: “Kinh tế tăng trưởng khá kéo theo tốc độ đầu tư tăng nhanh, huyện đã tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, chỉnh trang thị trấn và các vùng phụ cận, mở rộng đô thị theo tiêu chí đô thị loại 4 của tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đô thị A Lưới mở rộng, từ nay đến 2015, các dự án được ưu tiên đầu tư là xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng xã hội, các khu thương mại dịch vụ, các cụm CN-TTCN gắn với các dự án khai thác du lịch của huyện A Lưới...”.
Từ một vùng đất nghèo miền sơn cước, phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và của tỉnh, A Lưới đang từng ngày “thay da, đổi thịt”. Năm 2012, A Lưới đã thực hiện vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu quan trọng như: tổng đầu tư toàn xã hội đạt 912 tỷ đồng, thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 18,5 tỷ đồng, vượt 51% kế hoạch.
Một món quà lớn nữa dành cho A Lưới trong mùa xuân này là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt đến năm 2030, với diện tích khoảng 10.184 ha. Trong đó, bao gồm các xã A Đớt, Hương Lâm và một phần của xã A Roàng. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm thương mại - dịch vụ - du lịch - công nghiệp - đô thị và nông lâm nghiệp. Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng; đồng thời, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch vùng phía Tây của tỉnh.
Như vậy, cùng với các tuyến đường 74, 71 và QL 49A đang được nâng cấp, tất cả sẽ trở thành động lực rất lớn giúp A Lưới hội đủ điều kiện khai thác và phát huy tiềm năng thế mạnh của mình. Khi khu kinh tế cửa khẩu đi vào hoạt động, các tuyến đường quốc tế với Lào được xây dựng, khai thông, A Lưới sẽ sôi động với vai trò là một trong các đầu mối giao thương quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây của Tiểu vùng sông Mê Kông.
Con phố giữa lòng thị trấn A Lưới những ngày cuối năm trở nên nhộn nhịp với sắc màu, váy áo của người Pa cô, Tà ôi… xuống chợ. Phố núi bấy lâu ngủ vùi đang dần thức giấc