1. Các địa đạo:
A Đon: Nằm dưới chân đồi A Đon (xã Hồng Quảng). Đây là chỗ cất giấu và dàn dựng Đài phát thanh giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế và chuẩn bị cho chiến thắng mùa xuân 1975.
A Nôr: Gồm 3 hầm do quân dân Hồng Kim xây dựng, là điểm hoạt động bí mật của trụ sở kháng chiến xã Hồng Kim từ 1965 - 1973.
A Púc: Bên cạnh suối A Púc (Hồng Kim). Do các chiến sĩ đào khoét hơn 3 ngày, quân xã Hồng Kim dưới sự chỉ huy của cụ Lê. Từ năm 1967 đến 1970 đây là điểm đóng quân của đơn vị K200 sư đoàn 324 quân khu 4 do thiếu tướng Nguyễn Trung Tín làm chỉ huy trưởng phụ trách mặt trận đường 12 tuyến Huế.
A Ting: Là hầm chỉ huy của sư đoàn 324 quân khu 4 đặt tại xã A Roàng. Đây là nơi tập kết nhân lực và quân nhu chuẩn bị tiêu diệt đồn và sân bay A So vào tháng 1, 2, 3 năm 1966.
Ca Vá: Là địa đạo của xã Hồng Quảng nay thuộc xã Nhâm. Là nơi trú ẩn của đồng bào Hồng Quảng, che chở, nuôi quân, du kích trong vùng và các xã lân cận.
Còng Abó: Là nơi đóng quân của đơn vị 643 quân khu 4. Khống chế toàn bộ khu vực Hương Lâm, Đông Sơn, A Roàng, A Đớt. Được đào từ năm 1963 nhằm để tham mưu cho bộ tư lệnh quân khu chuẩn bị tấn công và tiêu diệt sân bay, đồn A So vào tháng 3 năm 1966.
Cốp: Đây là nơi đồn trú của Trung đoàn 8 Quân khu 4. Được xây dựng năm 1967 và di chuyển vào năm 1970. Là nơi tập trung huấn luyện cho các chỉ huy trưởng bộ đội địa phương. Trong địa đạo có hội trường, trạm chỉ huy trưởng bộ đội địa phương, trạm xá. Với địa đạo này quân ta đặt sở chỉ huy trực tiếp tại mặt trận đường 12 tuyến A Lưới - Huế, vừa khống chế thung lũng và sân bay A Lưới. Ngày nay sân bay này thuộc địa phận xã Sơn Thuỷ và A Ngo.
Địa đạo 49: Nằm trên địa phận xã Hồng Quảng và Nhâm. Địa đạo này được quân khu 4 sử dụng làm sở chỉ huy, tập trung chỉ đạo lực lượng cơ động sẵn sàng chiến đấu. Nằm gần sông A Sáp, xây dựng năm 1968 di dời năm 1972.
Ông Hồ: Địa đạo nhỏ do dân đào, vì nơi đây gần khu vực bãi Phấu (khu vực 6) di tích lịch sử cách mạng, vừa là kho bãi do ông Hồ thuộc quân khu Trị Thiên Huế phụ trách nên người dân gọi là ông Hồ. Nay thuộc xã Hồng Kim.
A So - A Túc: Thuộc xã Hồng Bắc gần đường Hồ Chí Minh đi qua và cách thị trấn không xa. Đây là nơi được Bộ chính trị, quân uỷ Trung Ương, quân khu Trị Thiên Huế chọn làm điểm tập kết lực lượng, cất giấu vũ khí, trú ngụ cho nhiều đơn vị mỗi khi hành quân qua khu vực này. Nó còn có nhiệm vụ là nơi chuẩn bị cơ sở vật chất, khí tài cho chiến trường miền nam, chiến dịch xuân 1968. Được đào theo từng cụm, mỗi cụm có từ 2 đến 3 địa đạo, gần các khe nước, có 2 cửa, cao từ 1,55m đến 1,65m, rộng 1,35m đến 1,45m.
Sự xuất hiện của cụm địa đạo đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cao của chiến trường miền Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, góp phần thắng lợi vào chiến dịch Xuân 1968, làm thay đổi cục diện về thế và lực giữa ta và địch theo hướng có lợi cho ta.
2. Các hang động:
Tiên Công: Nằm ở độ cao 1.091m, còn có tên khác là Cớp Va thuộc địa phận xã Hồng Kim, cách trung tâm thị trấn A Lưới 5km về Tây Bắc. Động nằm ở lưng chừng núi A Túc, bên dưới là sông Tà Rình và phía trước là đường Hồ Chí Minh.
Đứng trên động ta có thể quan sát toàn cảnh thung lũng A Lưới. Chính điều đó mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ta đã sử dụng như một trạm quan sát. Ở đây luôn có một đại hội công binh túc trực tại một quảng đất trống và bằng phẳng có bề dài hơn 300m, rộng 150m, và đây cũng là nơi tập kết chuyên chở hàng hoá lương thực, thực phẩm, pháo 175 ly, xe tăng thiết giáp vào kho 61 và còn là nơi trú ẩn kiên cố, an toàn cho hàng vạn lượt cán bộ chiến sĩ khi đi công tác qua đây từ năm 1965 đến 1967.
Koòng: Hang động nằm ở phía Bắc động Tiên Công thuộc xã Hồng Kim. Động này có 3 bậc: bậc 1 sâu 16m, rộng 10m, cao 0,5; bậc 2 sâu 1m, rộng 3m, cao 1m; bậc 3 sâu 9m, rộng 2,5m, cao 2,5m. Nơi đây giai đoạn 1967 - 1975 là điểm trú ngụ của một đại đội thông tin thuộc sư đoàn 324 bộ quốc phòng.
Koòng Óc: Là trụ sở cán bộ hoạt động bí mật từ năm 1956 đến 1962. Tại đây đã hình thành được nhiều tổ chức, cơ sở, nhóm tham gia kháng chiến, nằm tại Khe Trệt, Đông Sơn.
Pâr Lêêch: Thuộc địa phận xã A Đớt, nơi đồng bào thôn Pâr Lêêch đã che chở và nuôi cán bộ, bộ đội, quân du kích hoạt động kháng chiến chống Mỹ từ 1962 đến 1966.