Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa Da cam Việt Nam: Gương sáng người cựu chiến binh
Ngày cập nhật 11/07/2011

Có một gương sáng cựu chiến binh ở A Lưới mà ai cũng biết đó là ông Quỳnh Thu tên khai sinh là Phạm Hải Đót, sinh năm 1943, dân tộc Tà ôi, hiện cư trú tại thôn Quảng Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sở dĩ gọi đó là gương sáng, bởi vì bản thân ông là nạn nhân chất độc da cam, chăm sóc con trai út là nạn nhân chất độc da cam suốt hơn 22 năm qua. Từ ngày 25/6/2008 đến ngày 29/6/2010 ông làm Phó Ban trực của Ban vận động Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện A Lưới. Đến ngày 30.6.2010 Đại hội của Hội Nạn nhân chất độc da cam lần thứ nhất, nhiệm kì 2010 - 2015 được bầu làm Chủ tịch Hội.

          Đến nhà ông vào bất cứ giờ nào khách cũng có thể nghe tiếng rè rè, ồn ồn, cảnh phun nước bọt tung tóe, nước mắt, nước mũi kèm nhèm của đứa con bị chất độc da cam ở gia đình ông. Mới gặp vài lần mà cảm thấy mệt mỏi cho gia cảnh ông, huống hồ chi gia đình ông đã chịu đựng cảnh này hơn 22 năm nay. Theo ông tâm sự;  kể từ khi có Đảng, cách mạng và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo, dẫn đường chỉ lối cho nhân dân và dân tộc Tà ôi, thì tôi cảm thấy rằng làm cách mạng là con đường tốt nhất để giải phóng dân tộc và giải phóng đói nghèo, lạc hậu.

          Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông được chia làm nhiều giai đoạn, và lại là người tham gia cách mạng và thoát ly tương đối sớm so với những người cùng trang lứa. Từ năm 1957 đến năm 1959, ông làm liên lạc cho cán bộ hoạt động bí mật ở huyện Quận 1 Thừa Thiên. Năm 1959 đến năm 1962 ông làm liên lạc và hoạt động cách mạng bí mật ở phía Tây Nam Thừa Thiên.
          Từ năm 1962 đến năm 1965 tham gia làm công tác “3 cùng” ở khu vực miền Tây Nam giáp huyện Cà Lừm (CHDCND Lào) với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng. Từ năm 1965 đến năm 1967 giữ chức vụ Phó Bí thư huyện đoàn Quận 1 Thừa Thiên và tham gia chiến dịch giải phóng đồn A So năm 1966. Sau đó ông phụ trách công tác Thanh niên Quận 1 cho đến năm 1972.
Từ năm 1972 đến năm 1975, Huyện ủy Quận 1 đã rút ông về làm cán bộ kinh tế - tài chính và cán bộ phòng Giáo dục huyện Quận 1 Thừa Thiên. Sau ngày đất nước giải phóng ông được Phòng Giáo dục cử đi học tại trường Trung học Sư phạm Bình Trị Thiên cho đến năm 1980. Sau đó về công tác tại Phòng Giáo dục và giảng dạy đến tháng 8 năm 1982 thì nghỉ vì lí do sức khỏe yếu. Lúc này, Ty Giáo dục Bình Trị Thiên có quyết định cho ông nghỉ hưu. Tuy nghỉ hưu nhưng với lòng nhiệt huyết, cộng thêm có trình độ văn hóa nên xã A Ngo mời ông ra làm việc cho xã. Nhận thấy mình có thể làm được việc gì đó nhỏ bé và để góp phần trách nhiệm của mình cho xã, ông liền đồng ý với chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã A Ngo liên tiếp 2 nhiệm kì và tham gia vào Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện A Lưới 1 nhiệm kì. Sau đó, ông về làng văn hóa Quảng Mai tham gia chức vụ Bí thư Chi bộ thôn suốt 8 năm liên tục.
Theo ông kể lại; Tôi đã từng chứng kiến những cảnh các loại vũ khí hiện đại trút xuống A Lưới như bom tấn, bom tạ, bom bi, bom nổ chậm…Ngoài bom đạn thì quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc màu da cam Dioxin nhằm tiêu diệt con người và môi trường sống ở A Lưới. Chúng làm như thế nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Từ đó A Lưới trở thành nơi diễn ra chiến tranh ác liệt và là nơi hứng chịu bom đạn và chất độc da cam của Mỹ. Vì vậy A Lưới từ chỗ là một địa bàn miền núi bình yên với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với nhiều loại gỗ quý hiếm, các loài động vật hoang dã bỗng chốc đã trở thành một vùng đất hoang tàn, hàng ngàn ha rừng xanh, hàng trăm loài động thực vật bị hủy diệt và làm ô nhiễm nặng nề về môi trường, con người mang nhiều di chứng nặng nề.
Những đối tượng nói trên, hiện nay một số đã mất vì do bệnh nặng, số còn lại không có công ăn việc làm, có những người bị dị tật suốt đời nên họ không có khả năng tự xoay sở để kiếm sống. Họ sống dựa vào người thân, dựa vào cộng đồng và xã hội giúp đỡ là chính. Vì vậy các đối tượng này rơi vào diện nghèo đói, khó khăn thường xuyên.
Bản thân ông đã dành tuổi thanh xuân đi tham gia kháng chiến trường kì 18 năm trời, đã 3 lần bị máy bay Mỹ phun trúng chất hóa học, nhưng ông vẫn phải cố gắng vượt qua và mong sao sức khỏe được giữ vững để tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Và thế rồi với tinh thần cách mạng và tình cảm gia đình, dần dần tôi cũng đã vượt qua tất cả, chiến thắng đang dần dần đi đến thắng lợi thì tất nhiên sau này con cháu mình sẽ sung sướng, chỉ mình hy sinh cũng cam chịu.
Đến ngày đất nước giải phóng ông về quê cũ làm ăn, sinh sống và lập gia đình. Năm 1976 ông kết hôn, vợ người Kinh là một gia đình có công với cách mạng, sinh được 6 người con.  Không ngờ lấy vợ chồng xong vài năm sau sinh con, con bị đau ốm triền miên, cơ thể yếu ớt, què quặt, dị dạng, dị tật, cha mẹ cũng xuất hiện nhiều bệnh tật. Con đầu lòng là con gái nhìn hình dáng bên ngoài thì tròn vẹn nhưng lại không có sức khỏe, hay đau lưng, đau khớp, bị viêm soang nhức đầu đôi lúc lại bị yếu tim. Cơ thể lúc nào cũng gầy yếu, cuộc sống của đứa con thật khó khăn. Đứa con thứ hai là con trai khi mới được 3 tháng tuổi thì đau nặng, sơ cứu tại bệnh viện A Lưới rồi bệnh viện Hà Lan (Quảng Trị) 8 tháng nhưng không lành, càng điều trị thì đầu càng to và cuối cùng đội ngũ y bác sĩ đành bó tay, không cứu chữa được nữa và cho về nhà chăm sóc hết sức vất vả, sống được vài tháng thì mất. Đứa con trai thứ 3 hình dáng trọn vẹn và sức khỏe có phần tiến triển nhưng vì một lần sốt nặng chết ngất 20 phút, sau tỉnh lại và hoàn toàn bình phục sống khỏe. Đứa con thứ 4 là con gái bị dị dạng, có bàn chân 6 ngón và sức khỏe cũng không được bình thường có bệnh mất ngủ, người ốm yếu. Đứa thứ năm bị xẩy thai.
Đứa thứ sáu là con trai có tên Phạm Quốc Huy, sinh năm 1989, sinh được 4 tháng thì bị đau nặng như đứa thứ hai, đầu to nhưng lại mềm. Và giờ đây đứa con mà ông đang chăm sóc hằng ngày vì chất Dioxin này rất khó khăn vì nó, từ khâu chăm sóc ăn uống đến thuốc men.
Cuộc đời của tôi là một chuỗi ngày buồn, sau ngày giải phóng được về lại quê hương và gia đình, bố mẹ mất, 5 anh em cùng tham gia chiến đấu thì chỉ còn 3 người. Cái buồn tiếp theo là lấy vợ sau hòa bình cứ tưởng sinh con đẻ cái được hoàn hảo, bố mẹ, con cái chung sống trong gia đình được hạnh phúc trọn vẹn bền lâu nhưng ước mong đó không được, con chết, bệnh tật đeo bám suốt năm.
Giống như em Huy bây giờ, kể từ khi lọt lòng mẹ đến nay đã là 22 năm ròng rã, bố mẹ phục vụ chăm lo vô cùng vất vả nhưng vì nó bị lây nhiễm từ bố mẹ, đó là máu thịt của bố mẹ nên phải chấp nhận chịu những cực nhọc vất vả trăm bề vì con. Trong gia đình kinh tế đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng tạo điều kiện cho cháu được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.
Có một điều đáng lo, đêm nằm mà suy nghĩ mãi, bây giờ bố mẹ còn sống cho dù tuổi già sức yếu nhưng bố mẹ vẫn cố gắng phục vụ chăm sóc cho nó được đảm bảo ăn uống, vệ sinh. Nhưng khi bố mẹ không còn nữa, các anh chị của nó lập gia đình, lại ở xa thì ai chăm sóc nó đây?
Nỗi lòng của ông Quỳnh Thu là thế, chỉ có ông mới hiểu, người thân mới cảm thông được. Để lấy niềm an ủi trong cuộc sống, ông hăng hái tham gia công tác xã hội để mong chia sẻ nỗi buồn, đem đến niềm vui cho các nạn nhân khác như bản thân ông và con cái ông.
Ông Quỳnh Thu đang chăm sóc con út bị chất độc da cam
Trong thời gian làm việc ở Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện A Lưới, ông Thu đã củng cố và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh gồm 19 đồng chí trong Ban chấp hành, vận động và tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ban ngành với số tiền 50 triệu đồng xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Vận động được 18/21 Ban động nạn nhân chất độc da cam ở 18/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, điều tra nạn nhân chất độc da cam dưới 18 tuổi ở 3 xã điểm nóng Dioxin là Đông Sơn 81 đối tượng, Hương Lâm 25 đối tượng, A Đớt 18 đối tượng.
Triển khai lập hồ sơ nhân chứng có 20 đối tượng trong các xã Đông Sơn 10 đối tượng, Hương Lâm 5 đối tượng, A Đớt 5 đối tượng nhằm phục vụ cho vụ kiện tiếp theo đòi công lý, công bằng cho nạn nhân Dioxin Việt Nam, tiến hành chụp ảnh cho một số nạn nhân ở các xã, thị trấn để làm tư liệu cho huyện Hội.
Xúc tiến cùng với ban ngành từ Trung ương đến cơ sở để xây dựng bảo tang chứng tích chiến tranh hóa học tại sân bay A So, nhân rộng mô hình hiệu quả dự án trồng bồ kết xung quanh sân bay A So để nhằm ngăn cách người dân và trâu, bò vào sân bay vì khu vực này có hàm lượng Dioxin trong đất cao, dự án này đã được UB 10-80 thực hiện từ nhiều năm nay nhưng đang bỏ ngỏ.
Ông Quỳnh Thu cho biết rằng: có đi mới biết hết được nỗi khổ của các gia đình nạn nhân da cam, nhiều đoàn khách và các tổ chức quốc tế đã đến A Lưới và làm việc với Hội đều được ông nhiệt tình tiếp đón và bày tỏ những tâm tư nguyện vọng của ông nói riêng và của những nạn nhân da cam nói riêng. Nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ đến A Lưới đã cùng ông đi thăm và tặng quà cho các nạn nhân, thăm sân bay A So, nghiên cứu tâm sinh lý trẻ em vùng nhiễm độc, tặng xe lăn, cấp phát thuốc miễn phí. Với những công việc như vậy cũng đủ nói lên rằng, bản chất người lính cụ Hồ trong thời chiến cũng như trong thời bình đều can trường, hi sinh, chịu đựng và trở thành gương sáng để mọi người soi chung.
Nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27.07.1947 - 27.07.2011 cùng với lễ kỷ niệm 50 năm ngày Thảm họa da cam Việt Nam 11.08 sắp tới, mong sao trong xã hội ta ngày càng có nhiều người như ông Quỳnh Thu vừa lo toan tốt công việc gia đình, vừa vẹn toàn công tác xã hội. Dường như ở trong đôi mắt sâu thẳm của ông thoáng hiện nhiều niềm vui, nỗi buồn lẫn lộn. Mong sao những ai ghé thăm A Lưới sẽ dành một chút thời gian ghé đến với ông để cho ông vơi đi chút buồn mất mát tinh thần, thể xác đồng thời cùng chung tay xây dựng huyện Hội Nạn nhân chất độc da cam A Lưới ngày càng vững mạnh.
Tập tin đính kèm:
KP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 27.772.148
Truy câp hiện tại 28.806