Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hấp dấn kỹ thuật dệt và giá trị của vải dzèng ở A Lưới
Ngày cập nhật 21/06/2011
Cảnh chị em đang dệt dzèng

Vải dzèng là loại vải truyền thống của bà con dân tộc Tà ôi, Pacô, Cơtu ở 2 huyện Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế). Ngày xưa để dệt vải, bà con phải trồng cây bông, từ đó kéo sợi để có nguyên liệu sợi vải và trồng cây thuốc nhuộm để nhuộm màu. Để dệt được tấm vải dzèng người ta phải rất vất vả mới làm ra nguyên liệu để dệt vải. ngày nay vải dzèng được làm từ nguồn nguyên liệu sợi công nghiệp, sợi coton, sợi len hoặc sợi chỉ. Vì vậy việc dệt vải dzèng khá thuận lợi, năng suất lao động ngày càng được cải thiện.

Đặc trưng của vải dzèng là nền màu đen hoặc xanh đen có pha các loại hoa văn màu sắc đậm; màu xanh, đỏ, vàng, trắng dọc theo chiều dài mảnh vải. Các dân tộc huyện A Lưới thường mặc vải dzèng vào các ngày lễ hội, cũng như trang phục ngày thường. Ngoài ra vải dzèng còn được làm ra để bán cho khách du lịch dưới dạng vải dzèng hoặc may thành các sản phẩm như túi xách, ví xách tay, mũ…để làm lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch.

          Hiện nay nguyên liệu dùng để dệt dzèng thường dùng là sợi coton, sợi chỉ hoặc sợi len. Trong đó, sợi dệt truyền thống là sợi coton 100% (sợi bông). Sợi coton dệt thành vải dzèng được người dân và khách du lịch ưa chuộng nhất nhờ chất vải mềm, về mùa hè mặc mát và hút mồ hôi, về mùa đông thì ấm. sợi coton dùng để dệt vải thường dùng sợi xe, kích thước khoảng 0.5mm người dân thường gọi là sợi 20/1 hoặc 20/2, nếu là sợi đơn thì phải chập hoặc quấn bằng tay cho to sợi để dệt.
          Sợi chỉ thường dùng là sợi xe coton có pha thêm ni lông cũng dùng để dệt dzèng, sợi chỉ thường có màu sắc tươi.
          Sợi len (sợi đơn mảnh, không dùng sợi to) thường dùng để dệt vải dzèng để mặc vào mùa đông. Sợi len dệt vải cũng tốt vì vải mềm, ấm, màu sắc tươi nên người dân rất thích.
          Về màu sắc sợi dệt thường dùng là màu đen, xanh đen, màu đỏ, xanh lá cây, vàng, trắng, tím, hồng…Trong đó có 3 màu cơ bản của vải dzèng là màu đen, màu đỏ và màu xanh, còn các màu khác chỉ cần số lượng ít để pha hoa văn; màu đen và xanh đen là màu nền.
Phối trí hoa văn chủ yếu trên vải dzèng là những hạt cườm (arak/alùng) được gắn hoặc chèn vào trong quá trình dệt.Thông thường để dệt một tấm váy hay khố, người thợ dệt phải chuẩn bị cho mình từ 2 đến 5 lạng hạt cườm. Hạt cườm ở đây được người Tà ôi sử dụng từ 3 nguồn chính.
Trước đây, người Tà ôi sử dụng hạt cườm bằng chì do chính họ làm ra. Họ đi lấy chì từ sông Ântrool (thuộc Lào - nơi có nhiều đồng bào Tà ôi gốc sinh sống), sau đó đem về nấu chảy bằng nồi đất nung, khi chì được nấu lỏng, họ dùng Abung múc đổ lên một tảng đá, dùng que tách chì ra từng hạt nhỏ, rồi lấy vật tròn, dẹt (như nắp xoong) lăn tròn để tạo dáng và dùng que có đầu nhọn chọc lỗ, xong cho ngâm vào một chậu nước để làm nguội chì. Sau đó người ta lựa những hạt tròn, chắc và có thông lỗ rõ ràng để sử dụng.
Có một loại hạt cườm lấy từ hạt cây Arac bọc (cây trơn) mọc rất nhiều ở những khu rừng hoặc bụi rậm. Loại cây này có hạt như hạt tiêu, khi phơi khô thì rất cứng và người ta xoi một lỗ tròn ở tâm hạt để luồn chỉ hoặc sợi.
Ngày nay, người ta mua cườm tại các chợ. Ở đây, những hạt cườm được đóng gói cẩn thận, hạt bằng nhựa cứng và đầy đủ các màu, rất dễ dàng sử dụng và cũng nhờ đó mà người thợ dệt đỡ phải mất thời gian tìm kiếm hạt cườm như trước đây.
 
 
Dụng cụ dệt vải dzèng là khung dệt truyền thống. Khung dệt này được làm bằng cây lồ ô, loại lồ ô này có ở trong rừng A Lưới. Lồ ô dùng để làm khung dệt là loại lồ ô già, thẳng, cứng, mắt dài, cây nhỏ chắc. Một bộ khung gồm có:
+ 02 ống tròn dài 115cm, đường kính 2.5 - 3cm.
+ 02 cặp thanh kẹp (4 thanh) dài 110cm, 2 đầu có rãnh để buộc dây vào “đồ” đeo lưng khi dệt.
+ 06 thanh tròn dài 115cm, các thanh này có đường kính khác nhau: 03 thanh có đường kính 2cm, 1 thanh có đường kính khoảng 1.6cm, 1 thanh có đường kính 1.2cm, một thanh nhỏ nhất có đường kính 0.8 - 0.9cm.
Kích thước trên là bộ khung chuẩn, tuy nhiên khung dệt này có thể thay đổi kích thước chiều dài theo khổ vải.
+ 01 lưỡi dao gỗ dài 115cm, rộng 4.2cm.
Quy trình dệt dzèng: Cuốn sợi thành cục tròn, nếu sợi mảnh chưa xe thì chập 2 - 4 sợi lại để cuốn thành cục tròn, cách cuốn sao cho khi bỏ cục sợi lên bàn tay để lên khung thì cục sợi quay tròn không bị giật rơi xuống đất.
Lên khung dùng hai thanh gỗ tre dài 3 - 6m, trên các thanh gỗ hoặc tre có đóng đinh để giữ các bộ phận của khung dệt. Dùng cục sợi quấn quanh khung dệt, một đầu khung là cặp thanh kẹp, một đầu khung là 2 thanh tròn, ở giữa để 01 dao gỗ và 02 thanh tròn, sợi chỉ được quấn quanh khung dệt và luồn lên luồn xuống khi qua dao gỗ (dao gạt) theo kiểu hình số 8. Chiều dài phần lên khung thường khoảng 1.5 - 3m hoặc có thể dài hơn tùy theo chiều dài của miếng vải. quấn chỉ quanh khung và dàn mỏng cho kín bề mặt thành 1 lớp sợi mỏng. Tùy theo khổ vải cần dệt (70cm hoặc 80cm) mà lên khung cho đủ số lượng sợi.
Xâu go: sau khi lên khung xong dùng 2 thanh kẹp quấn tròn lớp sợi trên khung để căng sợi, chỉ chừa lại phần sợi vừa đủ dệt khoảng 70 - 80cm. Mắc “đô” hay còn gọi là nẹp lưng vào lưng để giữ căng kẹp sợi, dùng hai chân đạp căng khung đã mắc sợi để dệt. Nghiêng lưỡi dao gỗ để tách 2 lớp sợi trên khung và luồn sợi dây dù vào giữa 2 lớp sợi đó để xâu go. Dùng thanh tròn móc từng sợi dù lên, cứ mỗi sợi vải dọc thì móc 1 sợi dù, rồi thả một sợi dù và móc lại 1 sợi dù, móc theo kiểu quấn vắt qua, vắt lại thanh tròn và xâu cho đến hết khố vải.
Dệt vải: kéo thanh xâu go lên xuống, sau đó chèn thanh tre mỏng vào, đặt nằm lưỡi dao gỗ và dùng lưỡi dao gỗ dập chặt sợi vải cho thật căng. Đẩy lưỡi dao gỗ ra và dựng lưỡi dao gỗ để tách 2 lớp sợi, sau đó luồn ống sợi qua giữa hai lớp sợi và dùng lưỡi dao gỗ dập chặt sợi vải, tiếp tục như thế luồn sợi về và dập chặt; mỗi lần luồn sợi, dập chặt là dệt được một hàng và cứ thế lặp đi lặp lại, dệt liên tục.
Khi dệt được một đoạn vải khoảng 20cm thì rút thanh tre chèn ra, dùng thanh kẹp cuốn tròn phần vải đã dệt rồi kéo căng phần sợi trên khung và tiếp tục dệt cho đến hết chiều dài vải.
Phương pháp chung khi cài hoa văn, tùy theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng để cài các loại hoa văn khác nhau. Khi cài hoa văn tùy theo màu sắc và số lượng sợi màu cài khi lên khung mà cho ra các loại hoa văn khác nhau. Cài hoa văn tùy theo từng loại hoa văn để cài xem các loại sợi màu khi lên khung, các loại hoa văn khác nhau thì cài số lượng sợi màu và màu sắc khác nhau. Vì vậy cài sợi màu khi lên khung (sợi dọc) khác nhau sẽ cho các hoa văn khác nhau, khi dệt (kéo sợi ngang) thì kỹ thuật dệt chủ yếu như nhau, trừ một số loại hoa văn đặc biệt.
Đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên Huế, đang thoát nghèo bằng việc phát triển nghề dệt dzèng truyền thống. Ở xã A Đớt, chị Mai Thị Tăng là thợ dệt dzèng đã 2 năm nay. Lúc đầu chị không biết dệt, vì mẹ chị đã bỏ nghề từ rất lâu. Khi thấy nhiều nhà trong thôn phát triển nghề này mẹ đã dạy nghề cho chị rồi hai mẹ con cùng làm. Chị A Viết Thị Biu, thôn Ka Vin, nhờ là thành viên của HTX Dệt Dzèng A Đớt mà có thu nhập ổn định làm được nhà mới và nuôi các con ăn học.
Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc Tà ôi huyện A Lưới hiện đang đẩy mạnh việc phát triển dệt dzèng sau một thời gian khá dài nghề truyền thống này bị mai một.  Chị Hồ Thị Cay, xã A Phú Vinh cho biết, việc học hỏi nghề dệt dzèng đã giúp nhiều người trong gia đình chị giải quyết việc làm. Dù chủ yếu dệt lúc nhàn rỗi nhưng mỗi tháng gia đình mình cũng có thêm 1-1,5 triệu đồng, nhờ đó mà kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Ngoài phát triển nghề dệt dzèng ở hầu khắp các hộ gia đình, hiện ở A Lưới đã có các tổ hợp dệt được thành lập ở các xã Phú Vinh, A Đớt, Nhâm  và thị trấn A Lưới.
Tổ dệt ở xã Phú Vinh do chị Bùi Thị Hòa phụ trách, chị có nhiệm vụ thu gom các sản phẩm của tổ viên làm ra, đi tìm đầu mối tiêu thụ rồi trả tiền công cho chị em. Sản phẩm của chị có mặt ở những thị trường xa xôi và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tổ dệt dzèng ở thị trấn A Lưới do bà Mai Thị Hợp làm tổ trưởng đến nay đã có 35 chị tham gia. Tổ đã mở 5 đợt dạy nghề, thu hút hàng trăm chị em các dân tộc trên địa bàn huyện tham gia. Trước đây chị em chúng tôi không ai biết dệt dzèng, nhưng sau khi được dạy nghề đã biết dệt để thoát nghèo. Ngoài thu nhập từ các hoạt động sản xuất khác, nghề dệt dzèng đưa lại cho chị em thu nhập mỗi tháng từ 1-2 triệu đồng. Bà Mai Thị Hợp, Tổ trưởng tổ dệt zèng ở thị trấn A Lưới, cho biết, sản phẩm dzèng của tổ cũng như của người dân trên địa bàn làm ra được tiêu thụ ngày càng mạnh. Ngoài bán cho các địa phương truyền thống như Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị)…, sản phẩm dzèng của A Lưới đã và đang được xuất khẩu thường xuyên ra nước ngoài theo đơn đặt hàng.
Tổ hợp ở xã A Đớt do chị A Viết Thị Tâm (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã) phụ trách có khoảng 30 chị em tham gia, vải dzèng đã giúp các chị ở đây thoát nghèo bền vững, giải quyết được lao động nông nhàn và vải dzèng đã được khách du đến A Lưới thích thú chọn mua làm quà lưu niệm khi về xuôi.
Sở dĩ dzèng của A Lưới được tiêu thụ mạnh là do chất lượng tốt và có tính sáng tạo rất cao. Thổ cẩm này thường được người làm gắn các họa tiết mang dáng dấp truyền thuyết bằng các gam màu đỏ, trắng, vàng, đen, xanh lá cây..
Tính nghệ thuật cao cộng với hình thức phù hợp với người tiêu dùng nên dzèng A Lưới được du khách và đồng bào các dân tộc rất ưa chuộng. Ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến huyện miền núi A Lưới để được tận mắt nhìn thấy những công đoạn dệt dzèng và mua sản phẩm dzèng của người dân nơi đây. Vải dzèng còn là thước đo giá trị cuộc sống của bà con nơi đây, bất cứ ai cũng phải có vài ba bộ váy, khố, áo dzèng để mang khi có lễ hội, ngày Tết, ngày lễ của đất nước. Vải dzèng còn là vật cưới, lễ kết nghĩa giữa các làng, vải dzèng dùng làm vật trang trí trong nhà, ở nhà Rông, và còn là vật thiêng được cất giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Hiện tại đã có nhiều công trình nghiên cứu về vải dzèng, kĩ xảo dệt vải dzèng, hoa văn trên vải dzèng và điều đáng nói hơn tại các trường Đại học, các Viên Nghiên cứu, sinh viên, giảng viên đã bắt đầu chú ý tới vải dzèng và nghề dệt vải dzèng cũng như định hướng phát triển làng nghề để phát triển du lịch ở A Lưới, nếu những vấn đề đó trở thành hiện thực thì phát triển nghề dệt dzèng thành làng nghề thì trong tương lai không xa A Lưới sẽ có nhiều đổi thay trên sự phát triển của loại hình dịch vụ du lịch này.
KP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 27.772.080
Truy câp hiện tại 28.748