Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

An toàn phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh
Ngày cập nhật 08/07/2024

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ, nhất là đối với những ngôi nhà ống vừa ở của hộ gia đình kết hợp kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng. Ðây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn PCCC tại các khu dân cư tập trung nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh.

Đối với các vụ cháy nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây, hầu hết nguyên nhân do sự cố hệ thống thiết bị điện và sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt. Từ thực tế công tác điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ cháy xảy ra cho thấy, hệ thống dây dẫn điện trong những khu vực kinh doanh, sản xuất kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt; không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện đã xuống cấp. Ngoài ra, có tình trạng treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các chất dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải... gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy. Một số cơ sở có dự trữ nhiều vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ... đặt gần hàng hóa, vật dụng dễ cháy chung quanh. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn...

Đặc biệt, một số cơ sở còn tình trạng sắp xếp thiếu khoa học các mặt hàng điện máy, đồ gia dụng, hàng tạp hoá, tiêu dùng v.v…chắn hết lối đi, không có cửa thoát hiểm dự phòng nếu có cháy nổ xảy ra, thiếu hoặc không có thiết bị PCCC... Lối thoát hiểm quan trọng nhất là cửa chính tại tầng 1 thường là nơi để ô-tô, xe máy, chất hàng hóa, nấu nướng. Còn tầng trên thường là nơi ngủ, sinh hoạt, thậm chí nhiều nhà còn tận dụng các tầng áp mái, tầng sân thượng để làm kho chứa hàng hóa.

Ðể không lo mất trộm, nhiều hộ làm "chuồng cọp", rào chắn toàn bộ bên trên, không có lối thoát lên sân thượng hoặc không có lối thoát sang nhà bên… Trong khi đó, nhiều khu vực, xe chữa cháy không thể tiếp cận, khi xảy ra sự cố, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, đang thời điểm mùa hè nắng nóng kéo dài làm gia tăng nguy cơ cháy, nổ tại các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Để hạn chế cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Công an huyện A Lưới khuyến cáo:

1. Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.

2. Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.

3. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng.

4. Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 0,5m; khi thắp hương, đèn phải có người trông coi.

5. Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết.

6. Có thể tự trang bị bình chữa cháy gia đình và biết cách sử dụng, đảm bảo chữa cháy tốt, hiệu quả khi xảy ra sự cố.

7. Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực do mình đảm nhiệm.

8. Tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Thường xuyên kiểm tra, thay thế đường dây dẫn điện đã cũ, hỏng; lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, dơ le, attomat … cho từng khu vực.

9. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra;

10. Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PC&CC theo số điện thoại 114, đồng thời  sử dụng trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay tại thời điểm ban đầu.

Hình ảnh vụ cháy nhà Ông Phan Gia Hiệp, tổ 1, tổ dân phố 3, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Đặc biệt đối với các chủ cơ sở phải có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở. Có hệ thống giao thông, cấp nước phục vụ chữa cháy và các phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy mỗi người hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra. Thường xuyên tự kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người./.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an huyện A Lưới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.252.016
Truy câp hiện tại 10.462