Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Biên giới không 'ranh giới'
Ngày cập nhật 28/07/2014
Đại úy Hồ Văn Hới cắt tóc cho bà con cụm bản I Reo (H.Kà Lừm, Lào)

Vùng biên ải xa xôi phía tây tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi dòng A Sáp chảy qua, tình quân dân thắm thiết như xóa đi mọi bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, cội nguồn…

Gần lắm bạn Việt

Đồn biên phòng Nhâm cách trung tâm thị trấn A Lưới (H.A Lưới) chưa tới 20km nhưng được xem là nơi khó đến nhất trong các đồn biên phòng nằm trên địa bàn huyện. Bởi con đường đá uốn lượn cùng những đoạn dốc dựng đứng từ UBND xã Nhâm đến đồn.

Cơn mưa giông ban chiều nặng hạt như muốn cản chúng tôi đến Trạm kiểm soát biên phòng Hồng Thái thuộc Đồn biên phòng Nhâm để sang cụm bản I Reo (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào). Trạm kiểm soát đóng sát ngay đường biên giới Việt - Lào, cách Đồn biên phòng Nhâm 10km. Đại úy Hồ Văn Hới, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Nhâm cho biết, ngày trước nhiều hộ dân thuộc cụm bản I Reo sống cheo leo ngang sườn núi. Cách đây không lâu, một cơn lũ khiến nhà cửa sạt lỡ và 6 người thiệt mạng. Nhiều hộ dân kéo nhau đến nơi khác sống chỉ còn lại 13 hộ dân ở lại trong những ngôi nhà đơn sơ vách nứa. Đầu năm 2014, chiến sĩ Đồn biên phòng Nhâm cùng với dân bản làm lại 13 ngôi nhà mới trên mảnh đất bằng phẳng gần đó. Mỗi ngày 20 chiến sĩ biên phòng cùng người dân bản đóng từng cột nhà, lợp từng tấm tôn, bắt từng ống nước. Những ngôi nhà kiên cố nhanh chóng hoàn thành sau một tháng cật lực. Giữa tháng 3, 13 ngôi nhà mới và một công trình nước tự chảy với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng được Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đồn biên phòng Nhâm bàn giao để dân bản kịp đón tết cổ truyền của nước Lào (diễn ra từ 13 đến 16.4).

Con đường mòn dẫn đến cụm bản I Reo hai bên đường lúa và chuối được trồng xanh tốt. Đi bộ khoảng 45 phút, chúng tôi đã đặt chân đến cụm bản. Những ngôi nhà sàn rộng rãi kiên cố bằng gỗ, trên lợp mái tôn xanh mới toanh nằm kế sát nhau. Kreng Nho kéo chúng tôi đến nhà của mình và khoe: “Nhà mới của tôi đây. Chiến sĩ Việt Nam làm cho đó. Mấy cái nhà ở bản đều do bạn Việt làm hết. Đẹp và to hơn nhà cũ rất nhiều. Bạn Việt còn cho áo quần, thuốc uống, thức ăn nữa…”.

Kết nghĩa anh em

Từ cụm bản I Reo nhìn về Việt Nam khá rõ, núi non trùng điệp lượn lờ trong mây. Đại úy Hồ Văn Hới cho biết, cụm bản I Reo khá xa trung tâm huyện Kà Lừm. Người dân muốn đến trung tâm huyện phải đi đường rừng mất 7 ngày nên hàng ngày người dân nơi đây vẫn thường sang huyện A Lưới mua sắm. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân cụm bản sang thông thương buôn bán theo đúng luật pháp. Người dân ở đây chủ yếu trồng ngô, sắn, lúa khô làm lương thực. Cuộc sống còn hoang dại nhưng tình cảm lắm. Người dân cụm bản I Reo và một số bản dọc sông A Sáp thuộc xã Nhâm đã kết nghĩa với nhau, cùng chung sống hòa bình, đúng pháp luật”, đại úy Hồ Văn Hới nói. Trời bắt đầu xế chiều, Kô Pai (30 tuổi) đi thị trấn A Lưới về thấy chúng tôi liền chào và khoe: “Đem chuối xuống chợ bán mua áo mới và thức ăn cho con. Gặp được mấy người bạn Việt bên sông A Sáp nên về bị muộn”. Thiếu tá Hoàng Minh Hùng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Nhâm cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 9 cột mốc từ cột mốc 649 (thuộc địa bàn xã Hồng Bắc, H.A Lưới) đến cột mốc 657 (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới). Anh em chiến sĩ vẫn ngày đêm tuần tra canh giữ chung sức giữ gìn an ninh tuyến biên giới vững chắc. Đồng thời tăng gia sản xuất không chỉ giúp đỡ cộng đồng người Tà Ôi, Pa Kô, C’Tu… nơi đây mà còn giúp đỡ cộng động người Lào sống dọc tuyến biên giới ổn định cuộc sống.

Chia tay chúng tôi, trưởng bản Su Mây luyến tiếc đưa chúng tôi xuống núi, già Su Mây vừa dặn dò chúng tôi đi cẩn thận và khen đại úy Hồ Văn Hới cắt tóc cho bà con dân bản ai cũng đẹp. Từ xa nhìn lại, lũ trẻ vẫn tinh nghịch cười đùa, người lớn thì dõi theo đoàn đến khi chúng tôi qua bên kia biên giới…

Theo http://www.thanhnien.com.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.469.249
Truy câp hiện tại 87.810