Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Sử dựng có hiệu quả đất dưới tán rừng, vườn để phát triển nghề nuôi ong
Ngày cập nhật 26/05/2013
Trong bài “sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi” đăng trên báo Thừa Thiên Huế cuối tuần số 654 từ ngày 2-5/8/2012 , đã đề cập đến việc sử dụng có hiệu quả đất dưới tán rừng để mở rộng diện tích sản xuất nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ tốt rừng tự nhiên. Tuy nhiên, ngoài việc xác định bước đầu cây mây nước và một số loài gia súc, gia cầm như heo rẫy, heo rừng, gà... đến nay, bài toán đặt ra cho ngành chuyên môn là cây gì và con gì là chủ lực để trồng hoặc nuôi đại trà dưới tán rừng có hiệu quả kinh tế vẫn chưa được giải đáp trọn vẹn.

May thay, người dân ở miền núi đã chủ động tìm tòi học hỏi và tổ chức sản xuất rộng rãi mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng. Từ kinh nghiệm của huyện Nam Đông, đồng bào huyện A Lưới đã mạnh dạn phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Năm 2012, Ban Đại diện Hội Người Cao tuổi (NCT) huyện A Lưới đã vận động một số hộ đồng bào  dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện mạnh dạn tự đầu tư để nuôi thử. Được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng để tập huấn, mua  vật tư và các chi phí khác, 16 hộ ở các xã Hồng Quảng, Nhâm, Hồng Bắc, A Ngo và Thị trấn A Lưới đã tự đầu tư 40 triệu đồng ( 1,6 triệu đồng/ đàn) nuôi 25 đàn ong giống Ý. Kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, tât cả các hộ nuôi ong đều có lãi và công việc “chăm, giữ” đàn ong tương đối đơn giản, chi phí công không đáng kể, chủ yếu là sử dụng thời gian nhàn rỗi của NCT.  Bình quân thu 2, 7 lít/ 1 lần thu hoạch/1 đàn. Như vậy, chỉ sau 3 - 4 lần thu hoạch, các hộ có thể thu hồi số vốn đầu tư ban đầu.Tìm hiểu hộ ông Hồ Văn Lô, một người có uy tín của xã Nhâm cho thấy, tổ chức nuôi thử 4 thùng, từ tháng 5 - 9/2012,  thu được 60 chai ( 0,65 lít) mật ong, bán được 12 triệu đồng, trừ vốn ban đầu còn lãi 6 triệu đồng.  Từ kết quả thực tế nói trên, năm 2013, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tích cực tham gia nuôi ong lấy mật.

Điều kiện để nuôi ong ở A Lưới, về mặt tự nhiên là hoàn toàn thuận lợi vì rừng và cả vườn, cây trồng rất đa dạng , nhiều loài cây cho hoa ở nhiều mùa khác nhau, nên thời gian nuôi trong năm có thể kéo dài và cho chất lượng mật tốt. Về mặt xã hội, nhà ở của đồng bào DTTS thường sống ven rừng, vườn hoặc làm lán trại (xu) ven rừng nên phù hợp với với chăm giữ ong. Về mặt tập quán, việc phát triển nghề nuôi ong hoàn toàn phù hợp với cách nuôi “truyền thống” của đồng bào; đó là nuôi “thả” không “ chăn dắt”. Tiếp xúc với bác Quỳnh Nhất,  NCT và là người có uy tín của thôn A Bung, xã Nhâm, hiện đang nuôi ong lấy mật, bác nói: “ nuôi ong thiệt hợp với tập quán của đồng bào, mình chỉ có nhiệm vụ “ giữ” nó thôi, chứ mình không cần cho nó “ăn”, nó tự tìm kiếm thức ăn của nó, nó lại cho mình mật thường xuyên, thiệt là thuận tiện, nhất là cho những NCT”. Về mặt kỹ thuật, theo ý kiến của những nhà chuyên môn, việc nuôi ong kỹ thuật đơn giản, ít dịch bệnh, điều kiện sinh sống và tập tính sinh hoạt của loài ong thích hợp với các vùng rừng, vườn ở miền núi. Mặc dù vậy, trăn trở nhất của đồng bào miền núi là “ nghe cán bộ nói thì thấy cái chi cũng dễ, nhưng khó là tiền không có để mua đàn ong nuôi”.
Như vậy, xét trên yếu tố đầu vào, bài toán chủ yếu cần giải quyết đầu tiên là tiền đâu để đầu tư, trong bối cảnh đồng bào DTTS thường không có vốn dự trữ, lại không dễ gì lập phương án sản xuất của từng hộ để xin vay vốn ngân hàng!
Trước tình hình đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh và huyện thông qua Quỹ vì người nghèo hỗ trợ cho một số thành viên Hội NCT huyện A Lưới tổ chức nuôi ong lấy mật dưới hình thức cho vay không lãi. Giá một thùng ong đàn là 1,6 triệu đồng, người nuôi ong được vay 1 triệu đồng, số tiền còn lại và các chi phí khác do người nuôi tự đầu tư.
Đến nay, Hội NCT huyện A Lưới đã tổ chức cho 30 thành viên đại diện cho từng nhóm ở 12 xã gồm Hồng Trung, Hương Lâm, Hồng Thượng, A Ngo, Bắc Sơn, Thị trấn, Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Kim, A Roàng, Hồng Thủy, Hồng Quảng, Hồng Hạ đăng ký nuôi 239 thùng (tương đương với số vốn được vay là 239 triệu đồng). Từ cuối tháng 4/2013, đã tổ chức mua và nuôi được 143 thùng. Sau 10 ngày nuôi ban đầu, các thùng ong đã cho mật, bình quân mỗi thùng cho 2 chai mật. Đánh giá về kết quả bước đầu, tại “ hội nghị đầu bờ” do UBMTTQVN huyện A Lưới chủ trì, những NCT có mặt đều rất lạc quan cho rằng đàn ong nuôi tỏ ra rất hợp với “ thổ ngơi” A Lưới, nên mới đưa về đã cho mật ngay và dấu hiệu có năng suất cao; về chất lượng mật, quan sát trực tiếp mật có màu vàng sẩm rất giống mật ong tự nhiên, nhờ vườn và rừng có nhiều loài hoa đa dạng.
Không chỉ những NCT được vay vốn không lãi của UBMTTQVN tỉnh, huyện để nuôi ong, nhận thấy hiệu quả thật sự của mô hình này, nhiều hộ dân ở A Lưới đã mạnh dạn tự bỏ vốn để đầu tư nuôi ong. Đến nay, thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất 14 hộ đã tổ chức nuôi ong. Hứa hẹn, ngày càng gia tăng cả số hộ tham gia lẫn quy mô nuôi ong của từng hộ. Hiện nay, Hội NCT đang đề nghị huyện tổng kết rút kinh nghiệm, xây dựng Đề án nuôi ong ngoại giống Ý lấy mật trên địa bàn huyện để triển khai rộng rãi trở thành 1 nghề mới.
Về yếu tố đầu ra, Anh Hồ Viết Ái - Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới, một trong những người tham gia nuôi ong tự tin khẳng định “ Hiệu quả nuôi ong thì đã rõ. Hiện tại đang sản xuất ít thì có bao nhiêu mật đều tiêu thụ hết. Chúng tôi bán với giá chỉ 200.000đ/chai. Giá 1 chai mật ong rừng tự nhiên ( chưa chắc đã thật 100%, vì có thể bị pha trộn đường) ngay chính vụ đã là 300.000 đồng, trái vụ lên đến 400.000 đ cũng không có mà bán. Tuy nhiên, điều lo ngại là khi sản phẩm nhiều quá thì không biết có thị trường để tiêu thụ hết hay không và giá có hạ quá hay không mà thôi. Vì vậy, người dân mong muốn huyện quan tâm để tính đầu ra cho dân yên tâm mở rộng sản xuất”
Sau khi dự “Hội nghị đầu bờ”, anh Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới đã trao đổi: “ Triển vọng nghề nuôi ong lấy mật ở A Lưới sẽ phát triển mạnh, tạo ra sản phẩm hàng hóa mới cho A Lưới, sử dụng có hiệu quả hơn nữa đất dưới tán rừng, vườn. Vì vậy, UBND huyện đã bàn bạc tại chỗ với UBMTTQVN huyện, các phòng, đơn vị liên quan huyện cần sớm xúc tiến nghiên cứu thiết kế mẫu nhãn hiệu mật ong A Lưới để giới thiệu quảng bá sản phẩm; đồng thời xem xét đánh giá chất lượng sản phẩm để tiến tới xây dựng thương hiệu mật ong nuôi A Lưới. Huyện sẽ sớm tổng kết để nhân rộng mô hình này trên địa bàn”.
Về thị trường tiêu thụ, Việt Nam là 1 trong 10 nước xuất khẩu ong hàng đầu thế giới; và khoảng 80% sản lượng mật ong dành cho xuất khẩu. Vì vậy, việc sản xuất mật phải luôn coi trọng chất lượng, trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng thực phẩm ngày càng khắc khe, nhất là ở thị trường Mỹ và châu Âu ( là thị trường chính của sản phẩm mật ong Việt Nam). Để bảo đảm chất lượng mật, huyện cần quan tâm hướng dẫn đồng bào nuôi ong ở các địa bàn không bị ảnh hưởng bởi việc phun thuốc trị nấm cho cây trồng. Vì sản phẩm mật ong khi xuất khẩu luôn bị kiểm tra bảo đảm đáp ứng được các tiêu chuẩn về giám sát an toàn cũng như kiểm soát dư lượng các chất, nhất là là chất Carbenzamin (thuốc trừ nấm). Quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, chắc chắn khi A Lưới sản xuất đại trà sẽ bảo đảm toàn bộ sản phẩm được các công ty xuất khẩu sản phẩm mật ong hợp đồng tiêu thụ ổn định lâu dài.
Hiện nay, chịu trách nhiệm chỉ đạo về mặt kỹ thuật là Trạm Khuyến Nông Lâm Ngư huyện. Theo đánh giá bước đầu của anh Nguyễn Đức Phú, Trạm trưởng, về phương diện kỹ thuật, không có gì quá phức tạp. Tuy nhiên, bước đầu cho thấy, có hiện tượng các loài ong đất, ong vò vẽ tấn công ong nuôi, dẫn đến nguy cơ có thể làm giảm tổng đàn, ảnh hưởng đến sản lượng mật. Mặt khác, cần hỗ trợ người dân kinh nghiệm về tạo ong chúa và tách đàn để từng bước mở rộng quy mô đàn ong ngay trong từng hộ.Vì vậy, rất mong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cần quan tâm nghiên cứu để hỗ trợ giải pháp xử lý các tồn tại này.
Về mặt quản lý nhà nước và giải quyết bài toán vốn lâu dài, A Lưới nên phân công cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ hỗ trợ lập các dự án đầu tư theo quy mô hộ hoặc nhóm hộ gia đình để tranh thủ nguồn vốn tín dụng để tiếp tục mở rộng diện, sau khi đã tổng kết rút kinh nghiệm. Mặt khác, đối với các đối tượng hộ đặc biệt khó khăn, được vay vốn lãi suất thấp theo Quyết định 54/2012/QĐ -TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ( hộ đặc biệt khó khăn được vay 8 triệu đồng/ hộ) và các hộ đồng bào DTTS thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn hoặc xã khu vực III hiện đang được thụ hưởng hợp phần phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 giai đoạn III ( bình quân 450 triệu đồng/ xã/ năm, dành cho các hộ nghèo), nếu đủ điều kiện, nên khuyến khích phát triển nuôi ong, vì những lý do như đã nói trên. Làm được vậy, sẽ góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước giúp đồng bào DTTS tích lũy vốn, phát triển sản xuất; đồng thời sẽ góp phần rất tích cực vào việc bảo vệ rừng trên địa bàn.
 Mô hình nuôi Ong ở thôn A Bung, xã Nhâm
Võ Văn Dự
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.689.251
Truy câp hiện tại 14.616