Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
UBND huyện A Lưới xếp thứ nhì về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2011
Ngày cập nhật 10/01/2012
Giao diện trang thông tin điện tử A Lưới

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông về kết quả đánh giá Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2011, xếp thứ nhất trong khối các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là Văn phòng UBND tỉnh; xếp thứ nhất trong khối UBND các huyện, thị xã và thành phố là UBND thành phố Huế, xếp thứ nhì là UBND huyện A Lưới.

Được biết, ngày 04/11/2011, UBND tỉnh đã có Quyết định 2324/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước là các hạng mục nhằm đánh giá thực trạng ứng dụng và phát triển CNTT tại một đơn vị liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, tình hình ứng dụng CNTT, chính sách và môi trường tổ chức, sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị. Theo đó, đối tượng được áp dụng đánh giá tại Quy định này là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế (bao gồm các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các huyện, thị xã và thành phố).

Cụ thể về kết quả đánh giá Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2011 theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông như sau:

 Khối cơ quan chuyên môn

Về hạ tầng kỹ thuật: Tương đối hoàn thiện và đầy đủ. Tỷ lệ kết nối LAN, WAN, Internet đều đạt trên 80%.  Hầu hết các đơn vị đều được trang bị thiết bị mạng khá tốt nhưng đến nay một số thiết bị đã bị hỏng vẫn chưa được thay mới. Đường truyền được đầu tư với tốc độ trung bình là 2Mbps. Các đơn vị đều có kết nối tới các đơn vị trực thuộc và hệ thống an toàn an ninh thông tin được trang bị đầy đủ với các phần mềm diệt virus, hệ thống an ninh mạng, hệ thống sao lưu dữ liệu. Ngoài ra nguồn kinh phí cho đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cũng được các đơn vị quan tâm bố trí.

Về nhân lực CNTT: Qua hồ sơ báo cáo, tất cả các đơn vị đều có cán bộ chuyên trách với trình độ là tốt nghiệp đại học CNTT. Một số đơn vị có cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ trên Đại học về CNTT là Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp.

Về ứng dụng CNTT: Chỉ tiêu 5 phần mềm dùng chung chiếm trọng số rất lớn cho lĩnh vực ứng dụng CNTT nhưng chủ yếu chỉ sử dụng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; Phần mềm Quản lý hồ sơ một cửa. Đối với 3 phần mềm còn lại là Phần mềm Quản lý tiếp dân và đơn thư khiếu nại tố cáo; Phần mềm theo dõi Ý kiến chỉ đạo và Văn bản ban hành; Phần mềm đăng lý xếp lịch và phát hành giấy mời qua mạng một số đơn vị cài đặt nhưng chưa có hồ sơ nào cập nhật trong phần mềm, số còn lại  hoàn toàn không sử dụng 03 phần mềm này.

Tại tiêu chí các phần mềm ứng dụng: đa số chỉ đạt được 1 phần mềm ứng dụng đề ra, đó là phần mềm tài chính kế toán. Tuy nhiên hầu hết  các đơn vị đều sử dụng các phần mềm chuyên môn và sử dụng các phần mềm mã nguồn mở.

Đối với các dịch vụ công trực tuyến: đa số các dịch vụ công trực tuyến đều đạt được mức 2. Ở một số đơn vị dịch vụ công trực tuyến đã đạt mức 3 nhưng các đơn vị báo cáo số liệu này chưa chính xác.

Đối với trang thông tin điện tử: tất cả các đơn vị đều có thành lập Ban biên tập. Có 06 đơn vị có chế độ chính sách nhuận bút. Đa số đều cập nhật tin tức hằng tuần với số lượng tin trung bình mỗi ngày là 01 tin. Ngoài ra hầu hết các đơn vị trực thuộc đều không có Website.

Về môi trường chính sách: Chỉ số môi trường chính sách được đánh giá với các chỉ tiêu bao gồm sự quan tâm của lãnh đạo và các cơ chế chính sách. Đa số các đơn vị đều có sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo đơn vị về ứng dụng CNTT trong công tác. Các chính sách khuyến khích ứng dụng và phát triển CNTT đều được ban hành bao gồm: Chính sách riêng khuyến khích ứng dụng và phát triển CNTT; Chính sách phát triển nguồn nhân lực cho ứng dụng và phát triển CNTT; Các quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan; Các chính sách nhằm giảm giấy tờ, tăng cường chia sẻ thông tin trong hoạt đông của cơ quan.

Kết quả xếp hạng chung, Văn phòng UBND tỉnh xếp thứ nhất về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong các cơ quan chuyên môn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2011, xếp thứ nhì là Sở Xây dựng; Sở Tư pháp xếp cuối cùng (trong 19 đơn vị).

Khối UBND các huyện, thị xã và Thành phố Huế

Về hạ tầng kỹ thuật: Ngoài các chỉ tiêu hạ tầng như khối cơ quan chuyên môn, chỉ số hạ tầng CNTT của các UBND huyện, thị xã và thành phố Huế còn đánh giá trên các đối tượng hộ gia đình và doanh nghiệp hiện có trên địa bàn.

Ở chỉ số này, sự chênh lệch điểm giữa đơn vị đầu bảng và cuối bảng là khá lớn. Cụ thể: Chỉ số hạ tầng của UBND Thành phố Huế đạt 175/205; Chỉ số hạ tầng của UBND thị xã Hương Thủy chỉ đạt 40/205. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do các đơn vị không báo cáo đủ các chỉ tiêu theo quy định như chỉ tiêu Tổng dân số; Tổng số hộ gia đình; Tổng số máy tính trên địa bàn; Kinh phí đầu tư cho hạ tầng CNTT và một số chỉ tiêu khác đơn vị không báo cáo số liệu,...

Ngoài ra, tại Điều 2 của Quy định đã nêu rõ đối tượng áp dụng là UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế (bao gồm các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các huyện, thị xã và thành phố). Tuy nhiên, các đơn vị vẫn còn vướng mắc trong việc lấy số liệu các đối tượng này để đánh giá. Điều này dẫn đến không thống nhất giữa các đơn vị cũng như các chỉ tiêu liên quan.

Hồ sơ báo cáo của một số đơn vị vẫn chưa thể hiện đúng thực trạng của đơn vị mình. Ví dụ như, năm 2010, dự án xây dựng mạng WAN cho các phòng chuyên môn ngoài trụ sở của UBND các huyện, thị xã và thành phố đã được triển khai. Tuy nhiên tại báo cáo của UBND Huyện Nam Đông và Huyện Phong Điền là không có kết nối tới các đơn vị trực thuộc. Một số đơn vị tỷ lệ kết nối LAN, WAN và Internet vẫn còn thấp. Thiết bị mạng cũng được trang cấp tương đối đầy đủ, đảm bảo để vận hành hệ thống mạng trong đơn vị. Tuy nhiên hệ thống bảo mật và sao lưu chưa được chú trọng và đầu tư. Các đơn vị chỉ chủ yếu sử dụng ngang mức độ cài đặt các phần mềm diệt virus. Một số đơn vị vẫn chưa chú trọng đầu tư kinh phí cho hạ tầng CNTT của đơn vị mình.

Về nhân lực CNTT: Ngoài các tiêu chí như Khối các cơ quan chuyên môn, chỉ tiêu hạ tầng nhân lực CNTT của Khối các huyện, thị xã, thành phố còn được đánh giá qua các tiêu chí các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn có giảng dạy môn tin học và số cán bộ công chức viên chức của đơn vị có chứng chỉ về CNTT.

Qua hồ sơ báo cáo, với đặc thù là huyện miền núi, nên chỉ tiêu trường Tiểu học có giảng dạy môn tin học đạt 57%, còn lại tất cả đều đạt 100% các trường có giảng dạy môn tin học.

Đa số cán bộ chuyên trách về CNTT của các đơn vị  có trình độ Đại học CNTT. Một số đơn vị có đội ngũ cán bộ chuyên trách trên 3 người là UBND thành phố Huế và UBND huyện A Lưới. Đây cũng là 2 đơn vị dẫn đầu trong hệ thống chỉ tiêu Hạ tầng nhân lực CNTT.

Về ứng dụng CNTT: Chỉ tiêu 5 phần mềm dùng chung chiếm trọng số rất lớn cho lĩnh vực ứng dụng CNTT nhưng chủ yếu chỉ sử dụng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; Phần mềm Quản lý hồ sơ một của. Đối với 3 phần mềm còn lại là Phần mềm Quản lý tiếp dân và đơn thư khiếu nại tố cáo; Phần mềm theo dõi Ý kiến chỉ đạo và văn bản bàn hành; Phần mềm đăng lý xếp lịch và phát hành giấy mời qua mạng có 2 đơn vị sử dụng là UBND thành phố Huế và UBND huyện A Lưới,  số còn lại  hoàn toàn không sử dụng 03 phần mềm này.

Tại tiêu chí các phần mềm ứng dụng: đa số chỉ đạt được 1 phần mềm ứng dụng đề ra, đó là phần mềm tài chính kế toán và hầu hết các đơn vị đều cài đặt các phần mềm mã nguồn mở.

Với chỉ tiêu các doanh nghiệp trên địa bàn có Webiste thì chỉ có 3 đơn vị cung cấp thông tin, số còn lại không cung cấp thông tin cho chỉ tiêu này và chỉ tiêu các dịch vụ công trực tuyến cũng tương tự như trên.

Đối với trang thông tin điện tử: tất cả các đơn vị đều có thành lập Ban biên tập.  Có 05 đơn vị có chế độ chính sách nhuận bút. Đa số đều cập nhật tin tức hằng ngày với số lượng tin trung bình mỗi ngày là 01 tin. Các chức năng cơ bản của trang thông tin điện tử khá hoàn thiện. Ngoài ra hầu hết các đơn vị trực thuộc đều không có Website.

Về môi trường chính sách: Chỉ số môi trương chính sách được đánh giá với các chỉ tiêu bao gồm sự quan tâm của lãnh đạo và các cơ chế chính sách.

Đa số các đơn vị đều nhận sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị về ứng dụng CNTT trong công tác; luôn được tổ chức chỉ đạo triển khai các ứng dụng. Một số đơn vị đã ban hành kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về ứng dụng CNTT trong đơn vị. Các chính sách khuyến khích ứng dụng và phát triển CNTT đều được ban hành bao gồm Chính sách riêng khuyến khích ứng dụng và phát triển CNTT; Chính sách phát triển nguồn nhân lực cho ứng dụng và phát triển CNTT; Các quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan; Các chính sách nhằm giảm giấy tờ, tăng cường chia sẻ thông tin trong hoạt động của cơ quan.

Kết quả xếp hạng chung, UBND thành phố Huế xếp thứ nhất về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong Khối UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2011, xếp thứ nhì là UBND huyện A Lưới; xếp thứ 8 là UBND thị xã Hương Thủy (trong 8 đơn vị, do UBND huyện Quảng Điền không có báo cáo).

Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện việc đánh giá Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoạt động đánh giá này sẽ tiếp tục thực hiện định kỳ hằng năm trong các năm tiếp theo.

Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá và công bố hằng năm sẽ là cơ sở để đánh giá hiện trạng, sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị đến việc ứng dụng và phát triển CNTT của các đơn vị. Đồng thời, nó còn giúp UBND tỉnh có thể hoạch định được các chính sách phát triển CNTT đồng bộ hơn, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các ngành kinh tế - xã hội.

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.695.351
Truy câp hiện tại 18.473