Hương Nguyên là một xã biên giới, là xã cửa ngõ phía Đông của huyện A Lưới, với diện tích đất tự nhiên 32.397,30ha, dân số: 311 hộ, 1310 khẩu với 6 thôn. Đến tháng 3 năm 2016 còn 04 thôn do sáp nhập. Dân tộc chủ yếu là người Cơ Tu chiếm 90,83% dân số của xã, số còn lại là dân tộc Pa Cô, Kinh. Đảng bộ có 122 đảng viên và 11 chi bộ trực thuộc. Đến tháng 3 năm 2016 còn 09 chi bộ do sáp nhập thôn. Hương Nguyên là một vùng đất có quá trình hình thành và phát triển gắn với quá trình khai phá và xây dựng huyện A Lưới. Các thế hệ cha ông và nhân dân xã Hương Nguyên đã cần cù lao động, chinh phục thiên nhiên chung sức, chung lòng, gắn bó để mở mang, chống chọi với thiên tai địch họa và kẻ thù xâm lược, sẵn sàng hy sinh để giữ gìn độc lập tự do cho quê hương. Kế thừa truyền thống cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Đảng bộ, quân và dân trong xã đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng quê hương Hương Nguyên ngày càng phát triển.
Đ/c Nguyễn Tân - Phó Chủ tịch HĐND huyện thăm xã Hương Nguyên trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập xã
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cùng với Nhân dân cả nước, quân và dân xã Hương Nguyên đã đứng lên làm cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc. Đi qua hai cuộc kháng chiến xã Hương Nguyên có 24 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho quê hương; 40 thương binh, bệnh binh đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường; 317 người tham gia cách mạng, 12 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;... Ghi nhận công lao đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân xã Hương Nguyên, năm 1998 Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Nhân dân và lực lượng vũ trang xã. Nhiều cá nhân được tặng thưởng huân chương kháng chiến…
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Cán bộ và nhân dân Hương Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, định canh, định cư, làm ăn sản xuất, ổn định đời sống.
Những ngày đầu, xã gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, không có điện, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ học sinh không có điều kiện đi học nhiều, trường học chỉ có 05 lớp tiểu học, trạm xá không có bác sỹ, hủ tục tập quán còn lạc hậu, làm ăn sản xuất theo cách chặt, đốt, cốt, trỉa. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân gặp muôn vàn khó khăn... Đứng trước tình hình đó, từ tháng 12 năm 1995 đến ngày 19/5/1996, thực hiện theo chủ trương Đảng, chấp hành cuộc vận động lớn của Tỉnh ủy, Huyên ủy về tổ chức ổn định, định canh, định cư, cán bộ và nhân dân xã nhà về xây dựng quê hương mới tại khu vực Tà Lương hiện nay. Thời gian đầu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: về cơ sở hạ tầng điện đường, trường, trạm chưa có, kinh tế thuần nông chủ yếu trồng lúa rẫy và trồng sắn cộng với lương thực nhà nước cấp nuôi sống qua ngày, kết cấu hạ tầng yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo rất cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn... Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hương Nguyên đã giữ vững sự đoàn kết nhất trí, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của xã và tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, cùng với cả tỉnh, cả huyện vượt qua giai đoạn khó khăn thách thức, nhất là giai đoạn ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng:
Cơ cấu kinh tế bắt đầu chuyển dịch từ thuần nông sang hướng tăng dần trồng cây lâm nghiệp Cao su, rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong 20 năm, đã huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tập trung đầu tư, hệ thống kết cấu hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm; đã xây dựng, đưa vào sử dụng một số công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển trước mắt cũng như lâu dài, góp phần quyết định cải thiện đáng kể. Các hoạt động văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư đúng mức, đạt kết quả tích cực:
Về kinh tế Nông nghiệp:
Tình hình sản xuất nông nghiệp nhờ sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xác định cây, con giống phù hợp, chủ yếu nâng cao chất lượng giống và những tiến bộ trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên kinh tế có bước phát triển.Về khai hoang mở rộng diện tích, biện pháp để tăng năng suất cây trồng. Tỷ lệ gieo cấy lúa nước 56 ha/2 vụ, năng suất bình quân từ 45,2 tạ/ ha, Sắn 49,09 ha, năng suất 100 tạ/ ha, Ngô 7ha năng suất 42,9tạ/ ha, Rau màu các loại 5,45ha, năng suất 5 tạ/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 14.000.000đ/năm. Tổng đàn gia súc: 910 con, Trâu 100 con, Bò 110, Dê 50, Lợn 650. Tổng đàn gia cầm: 8080. Tổng diện tích ao, hồ thả cá: 4,6 ha. Số lượng cá thả: 20.000
Cao su xã Hương Nguyên
Về Lâm nghiệp: Tổng diện tích Cao su là 426,6 ha. Tràm keo 400 ha . Lồ ô 25 ha. Tổng diện tích mây tre bền vững thuộc chương trình 147 và dự án BCC là 55,5ha.
Về Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng:
Thông qua chương trình kinh tế trọng điểm, kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội trên địa bàn xã đều được quan tâm đầu tư bằng các nguồn vốn. Điện, đường, trường, Trạm Y tế, 02 trụ sở xã, 06 nhà họp thôn đã xây dựng kiên cố. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh trong 20 năm qua được Đảng ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của Đảng bộ đối với quần chúng nhân dân, góp phần đưa những chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đi vào cuộc sống từ đó tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Về Công tác xây dựng nông thôn mới
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhiều hình thức, nội dung nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp biện pháp và ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương. Qua 4 năm triển khai thực hiện đến nay xã đạt được 08/19 tiêu chí (theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới),
Về Lĩnh vực giáo dục, đào tạo:
Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, hàng năm tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp các trường đạt 99,7% trở lên. Có nhiều học sinh được tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp Huyện, số học sinh trúng tuyển vào các trường Đại học và trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, trường dân tộc nội trú huyện đều tăng. Thực hiện phổ cập trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi đạt hiệu quả chất lượng. Xã đã được công nhận đạt chuẩn về giáo dục phổ cập trung học cơ sở.
Về Văn hóa thông tin-TDTT-Truyền thanh, truyền hình:
Các hoạt động văn hóa thông tin và thể thao có nhiều tiến bộ; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện, đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT ngày một phong phú đa dạng hơn. Công tác thông tin tuyên truyền đã phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, trong xã đã có 4/4 thôn được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 01 thôn được công nhận giai đoạn 2, số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa 258 hộ đạt 85,9%.
Về Chính sách xã hội:
Các chính sách, chế độ cho các đối tượng như: Chế độ 929, thương binh, liệt sỹ, có công với cách mạng và các chế độ khác được giải quyết kịp thời. Tổng số đối tượng đang hưởng các chế độ chính sách là 87 định suất. Trong đó:Thương binh 01; Bệnh binh 45, Người có công với cách mạng 34; Người bị nhiễm chất độc hóa học 07. Toàn dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 100 %.
Về Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, DS - KHHGĐ và bảo vệ chăm sóc trẻ em: Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, vệ sinh học đường tại các trường, vận động nhân dân ăn ở sạch sẽ, dùng nước hợp vệ sinh. Công tác phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm luôn được quan tâm hơn. Đến nay, Trạm Y tế xã đã có 02 Bác sỹ. Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Công tác giảm nghèo
Chương trình giảm nghèo được quan tâm thực hiện đạt hiệu quả, từ nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội với các hình thức hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình của các đoàn thể đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo vươn lên. Đồng thời giải quyết việc làm cho nhân dân sớm được ổn định cuộc sống bằng các nguồn vốn, dự án trồng rừng kinh tế, cao su, chăn nuôi được nhân dân hưởng ứng thực hiện tốt.
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm hàng năm Không có hộ đói. Đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/ năm. Tỷ lệ hộ sử dụng điện 100 %; hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85%.
Một góc Hương Nguyên
Về Quốc phòng, An ninh.
Tình hình ANCT-TTATXH cơ bản được giữ vững, đẩy mạnh phong trào quần chúng, bảo vệ ANTQ, củng cố nâng chất lượng các tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự ở từng địa bàn thôn cùng phối hợp đồng bộ trong đấu tranh trấn áp các loại tội phạm có hiệu quả.
Kinh tế phát triển tăng gấp nhiều lần so với lúc mới chuyển ra. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn; dân chủ được phát huy, Nhân dân đoàn kết, xã hội đồng thuận cao, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Với một xã có xuất phát điểm kinh tế thấp thì những thành tựu đã đạt được thật rất đáng trân trọng.
Vừa qua, xã Hương Nguyên đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm xây dựng quê hương mới. Dịp này, Đảng bộ và nhân dân xã Hương Nguyên đã cùng ôn lại truyền thống, niềm tự hào quê hương; nêu cao ý chí quyết tâm, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra.