Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Mai một điêu khắc gỗ vùng cao
Ngày cập nhật 05/06/2015
Tạc tượng gỗ tại hội thi điêu khắc các dân tộc miền núi A Lưới

(TTH) - Điêu khắc gỗ trong kiến trúc nhà mồ, nhà truyền thống (nhà gươl, nhà moong, nhà dài) và các bức tượng gỗ từ xa xưa trở thành một nét đẹp của các đồng bào dân tộc thiểu số. Trước nguy cơ mai một dần, các nghệ nhân ở A Lưới đang cố gắng bảo tồn và truyền dạy.

Tiếp nối

Đến xã Hồng Trung, chúng tôi bắt gặp già làng Hồ Văn Hạnh đang cầm dụng cụ đục đẽo một khúc gỗ. Ông đang điêu khắc bức tượng người cầm giáo đặc trưng của dân tộc Pa Cô để tặng bạn. Nghỉ tay giây lát, ông trầm ngâm: “Ngày xưa làng nào cũng có điêu khắc, bây giờ rất hiếm hoi. Tôi làm bức tượng này tặng người bạn như lời nhắc để họ không quên về một nét đẹp truyền thống dân tộc”. Ông Hạnh kể, điêu khắc gỗ là một giá trị tinh thần to lớn của các dân tộc thiểu số. Với người Pa Cô xưa làm nhà mồ, nhà truyền thống đều có điêu khắc, nhưng bây giờ mai một dần nên mỗi lần làm sản phẩm điêu khắc, ông đều muốn người dân đến xem và học tập. “Tôi bảo lớp trẻ, phải cố gắng học truyền thống của dân tộc mình. Cứ kiếm một khúc gỗ đàng hoàng, tôi sẽ bỏ công đến hướng dẫn cách làm. Trong các ngày lễ hội lớn của dân tộc như A Riêu Ping (lễ cải táng hay lễ cúng nhà mồ), tôi tranh thủ dạy lại cho con cháu điêu khắc gỗ. Ngày thường không có gỗ, tôi dạy cho họ bằng cách vẽ lên giấy”, ông Hạnh chia sẻ.

Theo ông Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, huyện vùng cao này có 5 dân tộc anh em sinh sống trong đó, đông nhất là người Pa Cô, Tà Ôi và Cơ Tu. Mỗi dân tộc có một nghệ thuật điêu khắc gỗ, thể hiện ở nét hoa văn khác nhau, phù hợp với quan niệm văn hóa riêng. Chưa đủ điều kiện để có thể mở lớp truyền dạy, những người thợ “có nghề” lâu năm dạy lại cho thế hệ trẻ bằng truyền miệng và làm mẫu để họ làm theo.

Gặp hai anh em A King Vâng (sinh 1970) và A King Viên (1976), cũng là hai người thợ cuối cùng ở xã Nhâm còn giữ được nghề điêu khắc gỗ, họ cùng chung tâm sự là nghề được người cha truyền lại, trước lúc ông mất có dặn, phải truyền lại cho thế hệ sau này, không được để mất truyền thống của người Tà Ôi. Do vậy, hễ ai muốn học, hai anh đều hướng dẫn nhiệt tình. Có khi người ta đến nhà xem hai anh thực hiện việc điêu khắc, nhưng cũng có lúc hai người bỏ công đến tận nơi hướng dẫn cho những người muốn học. Niềm vui lớn nhất của họ là khi làm ngôi nhà truyền thống của làng A Hưa, nhiều thanh thiếu niên trong làng đã thường xuyên đến xem và học hỏi cách làm.

Anh A Viết Da, cán bộ văn hóa thông tin xã Nhâm nhận định: “Là người con của đồng bào Tà Ôi nhưng không biết cách làm nhà truyền thống thì rất buồn. Do vậy cũng có mấy lần đề nghị mở lớp điêu khắc ở xã nhưng chưa có kinh phí. Hiện tại, ai muốn học cứ tới hỏi hai anh A King Vâng và A King Viên, tuy vậy, đây chưa phải cơ hội để học hết một cách bài bản”.

Nỗi lo mai một

Theo ông Ngoan, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn để công nhận nghệ nhân điêu khắc, nhưng với những người thợ biết nghề lâu năm và có mong muốn truyền nghề cho người dân thì bà con ở địa phương đều quen gọi họ bằng “nghệ nhân” để thể hiện sự kính trọng.

Tìm hiểu ở huyện A Lưới, đại diện cho nghệ thuật điêu khắc gỗ của 3 dân tộc Pa Cô, Tà Ôi và Cơ Tu là 3 xã Hồng Trung, Nhâm và Hương Lâm. Ngoài ra, ở các xã khác, số người biết về điêu khắc gỗ rất ít, một số xã giờ đây không còn nghệ nhân điêu khắc. Già làng Hạnh lo lắng, quá trình hiện đại cũng làm cho kiến trúc của những ngôi nhà truyền thống bị bê tông hóa dần, gỗ được thay thế bằng chất liệu hiện đại. Một thời kỳ dài sau chiến tranh, đất nước khó khăn nên đến những năm tháng sau này, thế hệ biết về điêu khắc truyền thống đã già yếu, lớp trẻ lại không được học. Ông nhớ lại, năm 1988, may mắn được cha truyền nghề. “Cha tôi dặn, phải nhớ học điêu khắc gỗ, đó là nét đẹp cổ truyền. Bây giờ, thế hệ trẻ ít biết về việc này nên không dạy lại cho con cháu được. Mặc dù giới trẻ có rất nhiều người muốn học, có người mua cả gỗ và đồ nghề đến nhờ tôi dạy, nhưng tôi thấy cách dạy như vậy vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, hơi tẻ nhạt và không khích lệ được người thực hiện.”, ông Hạnh cho biết.

Cùng chung nỗi lo, anh A King Viên bảy tỏ, biết làm điêu khắc, nhưng nghề chính của anh là đi làm nương rẫy, chỉ mỗi lần làng xã nhờ làm nhà truyền thống, nhà mồ, tượng, anh mới bỏ công làm giúp. Do vậy, anh suy nghĩ, điêu khắc gỗ là truyền thống dân tộc chứ không phải nghề, nên khó ai sống được với nghề điêu khắc. “Nhiều người muốn học lắm, nhưng vì nghề này không thể làm ra tiền nên họ không theo đuổi. Đây cũng là lý do khiến điêu khắc gỗ truyền thống đứng trước nguy cơ mai một”, anh A King Viên nói.

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới bày tỏ, dù chưa có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, nhưng phía huyện rất tha thiết mong muốn bảo tồn. “Chúng tôi hy vọng có thể mở thật nhiều các lớp dạy điêu khắc, tổ chức trại sáng tác điêu khắc và các hội thi về điêu khắc để có thể phát huy và bảo tồn bản sắc của các dân tộc ở A Lưới. Để làm được điều này, cần có một chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các nghệ nhân”, ông Ngoan chia sẻ.

Theo http://baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.692.661
Truy câp hiện tại 16.888