Vật thiêng của Giàng
Già làng C'lâu Nâm kể, ngày xưa, đối với mỗi người đàn ông Cơ Tu, cây nỏ giống như cánh tay phải và những con mồi do cây nỏ hạ được giống như một bằng chứng thể hiện sức mạnh, oai dũng và sự khéo léo. Điều đó không những đem lại tự hào cho bản thân, gia đình, mà còn là niềm tự hào của dân tộc Cơ Tu được truyền từ đời này qua đời khác.
"Xưa kia, đàn ông, trai tráng Cơ Tu đi săn bằng nỏ phải đi rất êm, để không bị con mồi phát hiện. Do tầm bắn hiệu lực của nỏ khá gần nên yếu tố quan trọng nhất chính là phải nhẹ nhàng, không để bị phát hiện, rồi nhanh chóng bắn hạ con mồi trong mũi tên đầu tiên. Đối với những con thú lớn, người Cơ Tu thường tẩm thuốc độc vào mũi tên để con mồi chóng ngã gục. Thuốc độc là hỗn hợp gồm nhựa lá hoặc rễ cây rừng và chỉ làm chết thú rừng, nhưng không gây độc hại cho người..." - Già C'lâu Nâm kể.
Theo lời già C'lâu Nâm, sở dĩ người Cơ Tu không thích dùng cung là do tính linh hoạt và độ chính xác của nỏ cao hơn. Nỏ có thể vừa di chuyển vừa kéo dây, nạp tên và khi đưa lên ngắm bắn, thợ săn chỉ phải nhẹ nhàng kéo lẫy, còn với cung tên thì phải dùng sức giữ sợi dây căng nên dễ bắn trượt hơn. Thoạt nhìn, nỏ của người Cơ Tu rất đơn sơ, giản dị, nhưng để làm được một chiếc nỏ tốt thì lại là cả một câu chuyện dài.
Với đàn ông trai tráng Cơ Tu, dường như người nào cũng biết bắn nỏ, nhưng để chế tác một cây nỏ đạt tiêu chuẩn thì không phải ai cũng làm được. Một trong những thành phần quan trọng nhất của nỏ là cánh và thân nỏ, tất cả sức mạnh của nỏ đều hội tụ ở đây. Muốn nỏ có tầm bắn xa, lực bắn mạnh thì việc chọn cho được một cây gỗ có tên là P'nanh sống lâu năm ở rừng sâu là cực kỳ quan trọng.
Từ xa xưa, người Cơ Tu đã đúc rút được kinh nghiệm rằng, loại gỗ P'nanh cứng như sừng trâu, các vân gỗ xoắn quyện vào nhau nên rất bền và dai, không bị cong vênh, chỉ có nó mới đủ độ săn và sức bật để làm cánh và thân nỏ. Khúc cây P'nanh chặt về đem làm thành cánh, thân nỏ được để lên gác bếp hun khói cho khô tự nhiên, sau đó, tỉa gọt cho thật nhẵn rồi soi chỉnh rãnh tên cho thẳng và sắc cạnh.
Để bắn chính xác thì cây nỏ cần bảo đảm tất cả các yếu tố trên, chỉ cần một chi tiết nhỏ không chuẩn xác thì coi như bỏ đi. "Cây P'nanh là vật thiêng của Giàng dành cho người Cơ Tu. Nhờ nó mà những con thú dù có tinh ranh hay dũng mãnh đến đâu cũng đều bị hạ gục. Cũng nhờ nó mà người Cơ Tu mới có được cây nỏ thần kỳ, trở thành phần "hồn" của dân tộc còn được lưu lại trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi thế hệ.
Giờ tuy không còn đi săn nữa, nhưng những kỹ năng về săn bắn cùng bí quyết làm nỏ vẫn được thế hệ đi trước truyền lại cho lớp người đi sau. Những cây nỏ của người Cơ Tu hiện nay được dùng trong những lần hội thao, hội thi quân sự, các dịp lễ hội truyền thống hoặc dùng để trang trí trong nhà..." - Già C'lâu Nâm tâm sự.
Oai dũng đại ngàn
Có một chuyện già C'lâu Nâm không kể ra, nhưng dân bản Pơ Ning nói riêng, cả vùng núi rừng Tây Giang, Phước Sơn, Đông Giang ở Quảng Nam và A Lưới, Nam Đông bên Thừa Thiên Huế, ai cũng biết già chính là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tham gia chống Pháp khi mới 16 tuổi.
Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, C'lâu Nâm đã tham gia đánh gần 100 trận, bắn hạ 7 máy bay, tiêu diệt 11 xe cơ giới, loại khỏi vòng chiến đấu gần 60 tên giặc. Theo ông Bhriu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, một trong những yếu tố làm nên kỳ tích của đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ là nhờ có những "cây đại thụ" của đại ngàn Trường Sơn như già C'lâu Nâm.
Thời chiến, những chiếc nỏ làm từ gỗ cây P'nanh của già C'lâu Nâm và các du kích địa phương đã bắn là trúng. Có trận, chỉ với hơn chục xạ thủ mà họ đã hạ gần 30 tên địch chết thảm bằng những mũi tên kịch độc được phóng đi từ những chiếc nỏ. Tiêu biểu nhất phải kể đến trận đánh tại khu B'ha Nân, vào cuối năm 1960, du kích địa phương tiêu diệt và làm bị thương cả đại đội địch, khiến cho chúng khiếp hãi không dám ngông nghênh càn quét vào làng...
Cây nỏ Cơ Tu đã đi vào các hội thao quân sự của lực lượng vũ trang Quảng Nam.
Không hạ được thú dữ, không bắn chết được hàng trăm tên địch như lớp người đi trước, nhưng giới trẻ Cơ Tu hiện nay thể hiện sự oai dũng của mình bằng cách đoạt các giải thưởng từ nhiều hội thị bắn nỏ cấp tỉnh ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Điển hình như cô gái trẻ Blong Thị Thưa, ở thôn A Hưa (xã Nhâm, A Lưới, Thừa Thiên Huế) đã nhiều lần giành ngôi vị quán quân trong các hội thi bắn nỏ cấp huyện, cấp tỉnh, trở thành xạ thủ bắn nỏ nổi tiếng ở vùng cao miền Trung.
Theo Blong Thị Thưa, các loại súng quân dụng đều có thước ngắm, "đầu ruồi", báng súng giúp việc ngắm bắn dễ dàng hơn dù ở tư thế nào đi chăng nữa. Còn với nỏ thì việc bắn mũi tên có trúng đích hay không đều dựa vào trực giác hoặc kinh nghiệm lâu năm.
"Bắn nỏ phải ngắm bằng cách so đuôi, đầu mũi tên trên một đường hướng đến tâm mục tiêu rồi điều hòa nhịp thở sao cho khi kéo lẫy sẽ chính xác hơn. Nỏ được cầm bằng hai tay, một tay giữ chắc phần đuôi bằng cách sử dụng ngón tay trỏ và ngón tay cái, tay còn lại vừa dùng để đỡ phần thân nỏ bằng ngón trỏ vừa dùng để kéo lẫy bằng ngón tay giữa. So với súng quân dụng, nỏ của người Cơ Tu khó sử dụng hơn rất nhiều..." - Blong Thị Thưa tiết lộ.
Không chỉ có Blong Thị Thưa, vùng rừng núi Tây Giang, Đông Giang, A Lưới, Nam Đông, Phước Sơn... vốn nổi tiếng với môn thể thao bắn nỏ từ lâu, đã sản sinh ra nhiều vận động viên bắn nỏ xuất sắc như Zơ Râm Thị Vạnh, Hồ Văn Đế, Bríu Đô...
Ngoài việc nương rẫy, đồng áng, họ còn dành thời gian hăng say luyện tập và lần nào đi thi đấu cũng hết mình, giành nhiều huy chương về cho địa phương. Với họ, cuộc sống thời hiện đại đã thay đổi, mãnh thú, giặc giã không còn xuống quấy nhiễu bản làng, nhưng họ vẫn thủy chung với chiếc nỏ.
Trong tâm khảm của họ, đã là người Cơ Tu thì phải biết dùng nỏ. Đó cũng là một cách để "báu vật của Giàng" không bị mai một, để nét đẹp văn hóa của dân tộc Cơ Tu được giữ gìn mãi mãi...