Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Những giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở A Lưới
Ngày cập nhật 17/12/2014

Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị văn hóa, những biểu hiện văn hóa đặc trưng cho nền văn hóa dân tộc để phân biệt nền văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, nó bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc, thể hiện trí tuệ, tâm hồn, cốt cách của một dân tộc. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, không phân biệt trình độ phát triển kinh tế cao hay thấp, số lượng lớn hay nhỏ đều sáng tạo nên những bản sắc riêng biệt, độc đáo và đều có giá trị như nhau. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, bên cạnh việc đoàn kết một lòng xây dựng và bảo vệ tổ quốc, mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đều đã sáng tạo ra những yếu tố văn hóa riêng biệt, làm phong phú bản sắc văn hóa độc đáo, thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Cư dân ở A Lưới có quá trình tụ cư lập nghiệp từ lâu đời và gắn liền với các bước phát triển của đất nước qua từng thời đại. Với các tộc người thiểu số ở A Lưới, sinh hoạt văn hóa xuất hiện thường xuyên gắn bó với từng cá thể, từng gia đình, làng, bản. Nó được quy định khá phức tạp và chặt chẽ, các dân tộc ở đây sống gắn bó với núi rừng từ lâu đời, từ trong lao động và từ các mối quan hệ xã hội. Xuất phát từ môi trường sống, nơi rừng thẳm, núi cao nên các tộc người ở đây đã bảo lưu được nhiều nét văn hóa cội nguồn. Chính họ đã hun đúc nên những truyền thống văn hóa độc đáo, phong phú và mang đậm bản sắc dân tộc. Những truyền thống văn hóa này thể hiện một cách sinh động khả năng thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội tạo nên một nét văn hóa độc đáo riêng có, nó tô điểm thêm trong bức tranh muôn màu của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Văn hóa truyền thống ở A Lưới với những giá trị văn hóa vật thể là các kết cấu không gian ba chiều và tập tục liên quan ghi đậm dấu ấn tư duy, lối ứng xử trong mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên và với xã hội cộng đồng. Với văn hóa phi vật thể, đó là những giá trị văn hóa “ẩn tàng” trong đời sống lam lũ bình dân nhưng lại ánh lên những sắc vàng lấp lánh của triết lý sống, lối ứng xử giàu tính nhân văn cao cả đã làm nên những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới.

Dưới đây là khái quát những giá trị văn hóa phi vật thể thể hiện trong văn hóa dân gian cảu đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới.

1. Truyện cổ

Kho tàng truyện cổ của các tộc người thiểu số ở A Lưới rất phong phú về số lượng, đa dạng về thể loại cũng như nội dung. Chọn lọc từ trong truyện cổ chúng ta có thể tìm thấy dấu ấn mật thiết của chế độ xã hội với tập quán lễ nghi, trình độ sản xuất, sử dụng công cụ, vũ khí đấu tranh, khả năng sáng tạo, lịch sử các dòng họ và sự sinh ra tộc người của mình như truyện Piêr choonh của dân tộc Pa cô, truyện Nàng A đủ Trun của dân tộc Ka tu... Qua những câu chuyện cổ, chúng ta biết được những quan niệm về đạo đức, về nhận thức, về vũ trụ quan, nhân sinh quan... của các tộc người trong sản xuất cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Chủ đề mồ côi cũng được nhắc đến nhiều trong truyện cổ của các tộc người ở đây. Những con người mồ côi cha hoặc mẹ phải đi ở đợ hoặc ở với bà nội, bà ngoại, dì ghẻ thường được xây dựng bởi những chàng trai khoẻ mạnh, dũng cảm, siêng năng. Sự cảm thông của xã hội với những thân phận này thường được biểu đạt qua một kết thúc có hậu, với quy luật “ở hiền gặp lành”. Cũng có khi nhân vật mồ côi là những con người phi thường, có sức khoẻ chuyển núi, lấp sông luôn ra tay trừ diệt kẻ ác, tham lam. Bên cạnh đó, lao động sản xuất cũng là một đề tài phổ biến trong truyện cổ. Đa số truyện cổ đều có nội dung ca ngợi tinh thần lao động, những người dân lao động dù họ thuộc tầng lớp nghèo, mồ côi trong xã hội. Ngược lại truyện cổ cũng có những đề tài phê phán những thói hư, tật lười nhác lao động và họ sẽ nhận được những kết cục xấu.

2. Các loại hình dân ca

Trong vốn dân ca của các tộc người Ka tu, Tà ôi và Pa cô có rất nhiều các thể loại khác nhau. Mỗi thể loại dân ca, ngoài tính chất đặc thù của nhạc điệu, âm sắc, chủ đề, nội dung...còn chịu sự quy định của một số điều kiện kèm theo như không gian, thời gian, người trình bày, người nghe. Dựa vào trí nhớ để họ lưu truyền các làn điệu dân ca qua những buổi sinh hoạt cộng đồng. Thể loại dân ca của các tộc người Ka tu, Tà ôi và Pa cô có những làn điệu đặc trưng sau:

Ru con - Ru kacon/ru akay

Hát ru có thể xem như là một tài sản trong vốn văn nghệ dân gian của các tộc người nói chung và ở A Lưới nói riêng. Nó là những sáng tạo của tất cả mọi đối tượng trong cộng đồng.Tuy không biểu hiện qua các dạng chữ viết, nhưng nó không mất dần theo tiến trình lịch sử, bởi tính truyền miệng của loại hình này rất cao, được lưu giữ một cách tiềm tàng trong tâm thức mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Hơn nữa, hát ru là dấu ấn sinh thời tạo nên những nếp nghĩ của con người lúc còn thơ ấu, về sau này đó chính là niềm tin để họ sẵn sàng tiếp xúc trước đám đông, trong hội làng, và bạn tình mới gặp... Nó không thể thiếu trong tâm hồn trong sáng của trẻ, vì đó là một trong những nghệ thuật giáo dục mang tính truyền cảm, thẩm mỹ của con người.

Từ những chức năng trên, trẻ lớn lên sẽ được truyền những kinh nghiệm sống của người lớn, lánh xa những điều cấm của luật tục, những thế lực của thần linh. Chúng ta có thể chứng kiến những người già, bà mẹ, anh chị...của các tộc người ở đây không thể tách rời đứa con/cháu/em của mình ngay cả trong công việc lên nương, giã gạo, lấy nước...

Ba bói: Ba bói là thể loại dân ca chỉ hát vừa đủ để nghe trong gia đình hoặc một nhóm người thân cận với cách hát đối đáp, nội dung của làn điệu này thường là những lời tâm sự, bàn bạc công việc, chia sẽ kinh nghiệm trong lao động. Điệu hát này thường được thể hiện trong những lúc lên nương làm rẫy để quên đi sự mệt nhọc hay để bàn bạc chuyện sản xuất hay trong những dịp hội làng, hội mùa. Thông qua nội dung đó, đồng bào học hỏi lẫn nhau rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cũng như trong đời sống. Điệu Ba bói giúp họ có một tinh thần lạc quan, cho đôi chân vững mạnh khi đi rừng, đôi tay khoẻ khi đi săn... Cuộc sống của các tộc người ở đây gắn chặt với loại hình kinh tế nương rẫy, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, nên gặp nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng với tinh thần lạc quan, sau mỗi mùa nương rẫy, những lễ hội của cư dân nông nghiệp lại được tổ chức để mừng vụ mùa. Lúc đó, cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng báo hiệu, những người ở làng bản láng giềng thường cùng đến chung vui để xin phép làng được nhập cuộc họ cũng cất tiếng hát Ba bói.

Vơ nót/Kâl lơi: Vơ nót/Kâl lơi là thể loại hát giàu tính triết lý thường được người già sử dụng hát đối đáp trong các buổi uống rượu, dịp hội hè, đám cưới... Kâl lơi/Vơ nót thường được hát để khuyên răn con người, đặc biệt là loại bỏ tính lười biếng trong lao động, sản xuất. Nội dung của Kâl lơi/Vơ nót thể hiện sự ứng tác của người hát tại chỗ. Có không ít những lời ca họ tự sáng tác trong những phút ngẫu hứng, hay để phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh cụ thể.

Cha chấp, Xiềng: Cha chấp cũng là một thể loại hát đối đáp nhưng không phải dưới dạng những câu hỏi dặm, ướm lòng, thử tài ứng đối của đối tượng mà Cha chấp, Xiềng đối đáp thường dành cho những đôi trai gái khi đến tuổi trưởng thành làm quen, tìm hiểu, bày tỏ, thổ lộ những tình cảm yêu nhau, họ gửi vào đó những niềm mong ước sau này. Trong quá trình tìm hiểu người con trai thường tặng cho người mình yêu những vật làm kỷ niệm, những bài tình ca Cha chấp...và những lời hẹn ước.

Nếu các thể loại trên thường được những người đứng tuổi ưa thích sử dụng với nội dung thiên về lý trí, mang tính giáo dục cao, thì Cha chấp là thể loại dân ca giàu chất trữ tình với nội dung chủ yếu đề cập xung quanh vấn đề tình yêu đôi lứa, gắn với tuổi thanh xuân của đời người. Cha chấp có một đời sống riêng và rất trọn vẹn của nó trong không gian yên tĩnh, thơ mộng của những buổi “Pôọc xu” (đi sim, nằm nước...). Theo truyền thống, trai gái đến tuổi trưởng thành thường tụ họp tại nhà Làng, gặp các cô gái để hát đối đáp và gửi gắm nỗi lòng và “Pôọc xu” là hình thức tìm hiểu, thổ lộ tình yêu nam nữ của thanh niên sau những giờ lao động mệt nhọc, trai gái trưởng thành chưa vợ, chưa chồng thường hẹn hò và theo nhau vào các chòi rẫy đã dựng sẵn để thổ lộ nỗi niềm và trao vật làm tin hẹn ngày cưới hỏi. Giữa khung cảnh trăng thanh gió mát, đôi trai gái thủ thỉ tâm sự qua những làn điệu Cha chấp. Nếu trong ngôn ngữ trao gửi bình thường hàng ngày họ tỏ ra ngại ngùng, mặc cảm về thân phận thì Cha chấp chính là cách giúp họ vượt qua sự e dè đó, cởi bỏ nỗi lòng. Bởi trong câu hò Cha chấp, hình thức ví von thường sử dụng với nhiều hình ảnh rất thực tế, hồn nhiên, chân thành, gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Ngôn ngữ của Cha chấp bình dị mộc mạc và chân thật. Một điều đặc biệt nữa là, các già làng cũng thường sử dụng làn điệu Cha chấp trong những buổi họp làng để giải quyết những mâu thuẫn giữa làng này với làng khác, giữa dòng họ này với dòng họ khác, giữa gia đình này với gia đình khác... Lời lẽ ví von của họ rất uyển chuyển, tinh tế rất có tính thuyết phục đối với người nghe. Qua lời ca Cha chấp, những vấn đề nhạy cảm của xã hội được phản ánh khá sâu sắc và đa diện, trong đó những bi kịch tình yêu chính là mâu thuẫn của những tập quán lạc hậu, những xung đột mang tính phân hóa xã hội giữa người giàu và người nghèo, sự chi phối của cải trong quan hệ hôn nhân... Nó thể hiện tiếng nói đấu tranh, ý thức phản kháng của tầng lớp người bị áp bức trong xã hội.

Hát và nói lý: Hình thức hát lý đều phổ biến ở cả ba tộc người Pa cô, Tà ôi và Ka tu ở A Lưới nhưng ở tộc người Ka tu là phổ biến nhất, nó được dùng vào trong những trường hợp cần đến sự lý lẽ, biện minh, giải thích. Chức năng nói lý sẽ như là một công cụ dùng để định đoạt tội danh hay gỡ rối cho những mâu thuẫn trong xã hội. Bởi vậy, những người hát lý hay nói lý phải là những người am hiểu phong tục tập quán nơi cư trú; có nhiều kinh nghiệm trong phân xử, hòa giải, đàm phán và xử lý tốt các vi phạm, mâu thuẫn, tranh chấp ở mọi cấp độ từ gia đình, dòng họ, viel và cả phạm vi bên ngoài của viel.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong nội dung các bài hát lý của các tộc người này là cách nói gián tiếp, mượn hình ảnh sự vật, sự việc để nói tâm trạng, tính cách, thái độ con người, mà ít khi nói thẳng thắn lộ liễu những suy nghĩ, hành động của mình. Điều này phản ánh lối tư duy tự nhiên, trực quan sinh động ở những tộc người xã hội còn đang ở vào trong giai đoạn công xã.

3. Các thể loại dân vũ

Có thể nói ở mỗi tộc người đều có một vũ điệu đặc trưng cho tộc người của mình, với người Ka tu nổi bật nhất là điệu múa Zazã (đối với nữ) và Tân tung (đối với nam), là một trong những hình thức diễn xuất sinh động. Trong tất cả các lễ hội của người Ka tu, điệu múa Zazã và Tân tung luôn là chủ đề nổi bật, kết hợp với tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng thanh la cùng nhiều nhạc cụ đã tạo nên hình ảnh đặc sắc linh thiêng của tộc người [Zazã và Tân tung được sử dụng trong những ngày hội lớn có nghi lễ đâm trâu, trong đám cưới hay lễ hiến tế tạ ơn thần linh sau vụ mùa, kể cả khi săn được thú hay trong đám ma, lễ bỏ mả... Tất cả phản ánh một sức sống mãnh liệt của những vũ điệu, những tâm hồn lạc quan, yêu cuộc sống. Bởi thế, nếu hiểu được ý nghĩa của những điệu múa đó, hoà nhịp được với đồng bào, phần nào ta sẽ hiểu được tính cách, tình cảm của con người Ka tu]. Nếu như ở tộc người Ka tu nổi bật lên điệu Zazã và Tân tung thì ở người Tà ôi các vũ điệu cũng khá đa dạng và biểu hiện nhiều nội dung khác nhau, tiêu biểu nhất của người Tà ôi là điệu Azakoonh được thể hiện trong lễ hội cầu mùa, mừng cho mùa màng bội thu. Điệu A zưn ti ría là điệu múa trong lúc tiến hành nghi thức đâm trâu, hay điệu múa lúc mừng nhà mới....

Tộc người Pa cô có điệu múa đặc trưng nhất đó là Ra zóoc với ý nghĩa mừng mùa màng bội thu, tạ ơn Yàng đã che chở cho bản làng khỏi ốm đau bệnh tật; hay như điệu múa Pa dưr Yang đạa với ý nghĩa tạ ơn thần sông, thần suối...

4. Các loại nhạc cụ

Cùng với văn nghệ dân gian là các loại nhạc cụ dân tộc rất phong phú như: trống, cồng chiêng, thanh la, đàn ântoong, sáo, tù và, khèn… Đây là một nét độc đáo riêng có của bản sắc văn hoá các dân tộc ở huyện vùng cao này. Hệ thống nhạc cụ của các tộc người thiểu số ở A Lưới rất đa dạng với nhiều bộ khác nhau [Có thể phân bộ như sau: Bộ gãy như Ta lư, Tất lư, Tâm plưng..; Bộ thổi như Khèn bè, Âng koái, Amam, Kârdooc azol..; Bộ gõ như Acưr, Atúc, Xaar, Cồng chiêng, Ân,toong; Bộ kéo như Adong, Abel...], mỗi thứ mang những chức năng đặc trưng riêng.

 Nhạc cụ bằng sừng

Nhạc cụ bằng sừng trâu là loại hình đặc trưng mà các tộc người ở đây thường gọi là Pâr ngoong/Tù và. Sừng trâu sau khi được phơi khô, làm sạch rồi mới tiến hành làm, thường có 2 loại: lỗ thổi ở đầu nhọn và lỗ thổi hình chữ nhật trên thân.

Kârdooc azol cũng là một loại nhạc cụ rất phổ biến đối với các tộc người ở đây, được làm từ sừng sơn dương, có âm sắc rất độc đáo, cao vút. Loại này sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, người thổi có thể vận dụng nó trong việc săn bắn vì có thể giả tiếng kêu của thú vật và đặc biệt nó là loại nhạc cụ dùng để tìm nhau khi bị lạc trong rừng sâu.

Nhạc cụ bằng kim khí.

Cồng (Còong/Coong/Ngoong)/Chiêng, thanh la (Xi le/Tri lê): là loại nhạc cụ phổ biến hầu hết ở nhiều tộc người, đây là loại nhạc khí tự thân vang, rất phù hợp với cuộc sống ở môi trường rừng núi. Tuy các tộc người ở đây không tạo ra nó, nhưng cồng, chiêng có vai trò rất lớn đối với cộng đồng, nó như là linh hồn hay một tài sản vô giá nếu nhà nào, làng nào sở hữu được nhiều. Trong những lễ hội của các tộc người ở đây, có thể nói tiếng chiêng, tiếng thanh la là linh hồn của buổi lễ, biểu hiện tính cộng đồng cao, tiếng chiêng đã đi vào đời sống cộng đồng một cách gắn bó. Trong cuộc sống với các lễ hội như: nghi lễ đâm trâu, lễ trỉa lúa, lễ mừng lúa mới, đám cưới, đám ma...cho đến những đêm tụ tập tại nhà Rông, Gươl nghe các già làng hát, kể chuyện cổ tích, tiếng chiêng vang vọng, tràn ngập cả núi rừng. Đến khi từ giã cuộc đời thì tiếng chiêng, tiếng trống vẫn vang vọng tiễn đưa và đến lễ “bỏ mả” tiếng chiêng lại u hoài, ảm đạm, day dứt... để rồi từ đó người đời mới thực sự lãng quên.

Lục lạc (Rêeu/Kâr đinh/Riu) là loại nhạc cụ chủ yếu làm bằng đồng có hình tròn với nhiều kích cỡ khác nhau, bên trong có bỏ viên bi nhỏ bằng kim loại, khi sử dụng Rêeu/Kârđinh/Riu nối với một sợi dây, buộc vào cổ tay, khi cử động, âm thanh Rêeu/Kâr đinh/Riu phát ra theo sự chuyển động của tay.

 Các loại đàn.

Đàn Talư (Âmpreh/Târlư): Loại đàn này có hình dáng giống như đàn Măng đơluyn, gọn, nhỏ, được làm bằng gỗ mềm, vừa nhẹ vừa dễ đục khoét. Đàn có 2 hoặc 3 dây, không có phím trên cần đàn. Đàn này phổ biến ở tộc người Pa cô rất được phụ nữ yêu thích.

Đàn Tâm plưng:  Là loại đàn một dây gắn với một phần của quả bầu khô có vai trò như hộp đàn tạo ra âm thanh, thân đàn được làm bằng ống lồ ô già có khi bằng gỗ, được sử dụng phổ biến khắp các làng bản của người Ka tu, Tà ôi, Pa cô dùng hát tâm tình của nam giới.

Đàn dây (Abel):  Là loại đàn đặc trưng của các tộc người ở đây, thân đàn làm bằng 1 ống nứa có đường kính 1,5cm, dài khoảng 60cm, trên đầu có 1 trục để lên dây, phía dưới được chêm cao. Vĩ kéo là một thanh nứa vót mỏng, lấy bề nhám bên ngoài cọ vào dây đàn sẽ phát âm thanh, tay trái sử dụng vĩ kéo như kéo nhị. Có một sợi dây khác nối liền phần dưới dây đàn, đầu kia buộc vào một miếng vỏ con trút được mài mỏng và tròn, phần này ngậm vào miệng để điều khiển. Tiếng đàn Abel nhỏ, như thì thầm rất phù hợp cho những lúc trai gái tâm tình.

Loại khèn - sáo.

Khèn bè (Khền) là loại khèn rất độc đáo và phổ biến ở hầu hết các tộc người cư trú vùng bắc Trường Sơn. Được làm từ nhiều ống trúc/nứa nhỏ ghép lại thành từng cặp ngắn, dài. Trên thân mỗi ống nứa, được khoét một lưỡi gà và một lỗ thông hơi. Khèn dùng bằng hơi thổi ra và hít vào đều nghe được âm thanh.

Amam là loại sáo dọc đơn giản, nhỏ được làm bằng một đoạn ống trúc nhỏ, gọt một đầu thành chiếc lưỡi gà, trên thân đục lỗ các lỗ nhỏ, thổi lên nghe giống tiếng ve kêu.

Trống và một số nhạc cụ khác

Trống (A kưr/Chi gâr), nét đặc trưng khác nhau giữa trống của vùng đồng bằng là được ghép bằng các thanh gỗ làm thùng trống, riêng trống của các tộc người ở đây được làm bằng thân gỗ, hai đầu đẽo bớt cho thon nhỏ lại, khoét rỗng trong ruột, dùng da bò, trâu hoặc da con mang bịt kín hai đầu, lấy dây mây chằng kéo tấm da đó và cũng là cách trang trí cho đẹp mắt. Trống thường hòa với tiếng công tiếng chiêng tạo nên không khí sôi động vui vẻ. Nhiều tiết tấu vui, dồn dập nói lên niềm phấn khởi được mùa, cầu mưa, hay khi bắt được con mồi... Cũng có lúc tiếng trống điểm từng tiếng trong đám ma, trong tang lễ nghe rời rạc nghe nỗi buôn day dứt. Hầu hết các bản làng đều có trống để dùng.

Đàn thổ (Târ ngát/ Tâng ngát/ Ti ngát) là loại nhạc cụ gõ, làm từ quả ti ngạc phơi khô, khi lắc nghe âm thanh rào rạt. Sự kết hợp các quả ti ngạc với nhau trên hai vành cung bằng nứa chéo nhau tạo nên một nhạc cụ độc đáo: cầm cây nứa lắc lên lắc xuống hoặc gõ trên mặt đất tạo ra độ rung, phát ra âm thanh hòa trong lời hát, giữ nhịp vui vẻ. Ngoài ra còn có các loại mõ...

5. Một số nghi lễ truyền thống trong hoạt động sản xuất hàng ngày

Từ những tín niệm tôn giáo xoay quanh niềm tin thiêng liêng về “vạn vật hữu linh” đã đưa đến một hiện tượng phổ biến ở các tộc người Ka tu, Tà ôi, Pa cô là những lễ thức tôn giáo gắn liền với hoạt động sản xuất, sinh hoạt, quan hệ xã hội... Ngoài các nghi lễ gắn liền với hoạt động nương rẫy cổ truyền thường được gắn chặt với lịch sản xuất ra, còn có nhiều lễ hội lớn được tổ chức vào sau mùa vụ. Đây là khoảng thời gian nông nhàn trong năm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần với nhiều hình thức vui chơi nghỉ nghơi sau một năm sản xuất mệt nhọc.

 Nghi lễ trong chu kỳ canh tác nông nghiệp

Với các tộc người thiểu số ở A Lưới, các nghi lễ liên quan đến vấn đề nông nghiệp chiếm một phần lớn trong hình thức sinh hoạt tín ngưỡng. Bởi chu kỳ của một vụ mùa nông nghiệp bao giờ cũng đối diện với những thử thách và nhiều mối đe dọa của thiên nhiên. Vì vậy, mối quan tâm hàng đầu của các tộc người ở A Lưới cũng như cư dân nông nghiệp nói chung là cung thỉnh ân huệ của thiên nhiên (Yàng). Trong điều kiện đó, cây lúa - nguồn lương thực chính đóng một vai trò quan trọng; những lễ thức - tín ngưỡng với quy mô toàn cộng đồng hay trong phạm vi gia đình, dòng họ, đều xoay quanh thần lúa-hiện thân Yàng haro. Hình ảnh và quyền năng Yàng haro không chỉ gắn với một vụ mùa bội thu mà còn vươn đến sự nguy an của cả cộng đồng. Nghi lễ trong chu kỳ canh tác nông nghiệp thường có các lễ như: Lễ trỉa lúa; Lễ cúng khi trỉa xong; Lễ cúng khi lúa sắp lên nương; Lễ cúng trước khi thu hoạch; Lễ cúng đưa lúa về kho; Lễ cúng lúa mới khi thu hoạch xong.

Ngoài một số lễ liên quan đến sản xuất phục vụ đời sống hàng ngày, đồng bào các DTTS ở A Lưới còn có các Lễ hội truyền thống đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao như:

Lễ hội mừng lúa mới (Nonkrăng/A riêu A za...)

Vào độ tháng giêng, khi ngoài rừng cành xanh đã nhú chồi biếc, những sắc hoa đã khoe màu; khi lúa trên rẫy đã gùi về kho, bắp trên nương đã buộc thành từng chùm treo trên gác bếp; lúc men rượu trong ché đượm mùi thơm nồng; xa xa đã âm vang tiếng trống, tiếng chiêng nô nức, gọi mời, đó cũng là lúc đồng bào ở A Lưới chuẩn bị bước vào những ngày lễ hội của năm mới - lễ hội “Mừng lúa mới” (Ariêu Aza). Đây là một lễ hội cộng đồng mang nhiều ý nghĩa: vừa mang ý nghĩa của một nghi lễ cuối cùng trong năm, khép lại một chu kỳ sản xuất, đồng thời là lễ hội đầu tiên của mùa lễ hội mới, năm mới, mở ra khoảng thời gian nông nhàn, vui chơi trước khi bước vào vụ mùa mới.

Có thể nói Ariêu Aza là một lễ hội phản ánh rõ nét sinh hoạt văn hóa của các cư dân có nền kinh tế nương rẫy cổ truyền đặc trưng riêng có ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, trong đó có các tộc người thiểu số ở A Lưới. Xét về tính chất, Ariêu Aza có ý nghĩa như Lễ tết năm mới của người Kinh. Những năm được mùa lớn, trong lễ vật dâng Yàng của làng, ngoài các thứ khác ra còn có trâu, và được tổ chức kéo dài trong nhiều ngày với nhiều nghi thức, lễ tiết: đâm trâu, cúng tế, ăn uống, nhảy múa, vui chơi...

Nội dung chính của Ariêu Aza là cúng tạ ơn các vị thần linh, đặc biệt là thần lúa đã phù hộ cho một mùa “lúa đầy bồ, đầy kho”, bản làng yên vui và cầu xin sự bội thu trong mùa rẫy mới. Bởi thế, trong ý nghĩa của con vật hiến sinh cho Yàng, lễ mừng lúa mới chính là tiền đề cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hay sự nguy an của cộng đồng trong năm mới. Tính chất quan trọng và linh thiêng của lễ này còn được phản ánh qua những quy định về cấm cữ đối với dân làng cũng như khách mời tham dự.

Đây là lễ hội có quy mô nhất trong năm của các tộc người ở A Lưới nên trách nhiệm, quyền lợi của các thành viên đối với bản làng luôn được tuân thủ. Bởi thế, trong những ngày diễn ra lễ hội bản làng trở nên rộn ràng hơn, đầy sức sống bởi không khí náo nức chuẩn bị của mỗi thành viên, trong từng gia đình. Vào những ngày này, khắp các bản làng của các tộc người Katu, Tà ôi, Pa cô như được hâm nóng bởi không khí chuẩn bị náo nức. Nhà làng được sửa sang, trang hoàng lại, chiêng, ché, vũ khí, chiến lợi phẩm được lau chùi, đem ra trưng bày, sân làng được dọn sạch. Trai làng rủ nhau vào rừng săn bắn, các cô gái xuống suối bắt cá để chuẩn bị thực phẩm cho ngày hội, chọn gỗ tốt làm cột đâm trâu, tuyển chọn trâu... những công việc này đòi hỏi sự cầu kỳ và đầu tư nhiều công sức nhất là trang trí cây nêu và cột đâm trâu [Trong các lễ hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở A Lưới đều có nghi lễ đâm trâu. Cột đâm trâu được dựng trước nhà làng, do các thanh niên tuyển chọn: làm bằng cây bông gòn già, chắc, đường kính 20 cm, cao khoảng 3,5m và chạm khắc, sơn vẽ nhiều hoa văn. Trên cột đâm trâu, các mô típ hoa văn là những gì biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày, khái quát hóa lên thành các hình tượng mang giá trị chuyển tải những khát vọng, ước mơ, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào như con chim, con cá, gùi, chày, cối, cây cối... Có thể xem đây là một trong những biểu hiện văn hóa cao nhất của cộng đồng người, thể hiện qua lời cầu chúc tới mỗi nóc nhà, mỗi con người tới dự lễ].

 Người ta quan niệm sự may mắn của năm mới phụ thuộc vào trâu chết ngay hay một lúc sau khi đâm, máu phun ra mạnh hay yếu. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tính chất của lễ hội có tổ chức đâm trâu. Trong lễ hội cơm mới trâu thường được giết chết bởi một nhát lao quyết định của vị chủ lễ - chủ làng. Khi trâu chết, nếu mặt trâu ngửa lên trời, người ta cho rằng đó là điềm xấu, nếu trâu nằm nghiêng quay về phía nhà làng hoặc nơi có vị chủ làng đứng, chứng tỏ sự khuất phục, đồng ý, năm đó làng sẽ không có tai ương, dịch bệnh, không bị mất mùa.

Nghi lễ đâm trâu vốn có nguồn gốc từ tục hiến sinh cầu mùa, cầu an xa xưa, rất phổ biến trong các cư dân nông nghiệp, bởi máu được như là “chất liệu kết nối, thúc đẩy mối giao hòa giữa hai yếu tố trời và đất”. Càng ngày nghi lễ này càng được mở rộng với nhiều mục đích, ý nghĩa khác nhau để trở thành một sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng mang nhiều ước vọng: tổ chức trong phạm vi gia đình (cưới hỏi), dòng họ (vào dịp bỏ mả, cải táng cầu an) và toàn cộng đồng (vào dịp cúng cơm mới, khánh thành nhà làng, kết nghĩa...). Mặc dù có nhiều cách giải thích với những lý do khác nhau, nhưng nghi lễ đâm trâu vào năm mới luôn được đồng bào coi trọng và tổ chức với quy mô lớn nhất, trang trọng nhất.

Trong hoạt động tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, nghi lễ đâm trâu là dấu vết của thời kỳ hoang sơ: có điệu múa hùng tráng, đầy tinh thần thượng võ của già làng và các chiến binh mang nội dung diễn tả những hình ảnh xa xưa, phản ánh các hoạt động kinh tế chiếm đoạt của giai đoạn tiền nông nghiệp: săn bắn, hái lượm. Trong lễ hội ăn cơm mới, nghi lễ đâm trâu phản ánh ý nghĩa sâu xa nhất của lễ hội, mà qua đó người xem có thể hiểu được tâm tính, quan niệm, nhân sinh quan cũng như thế giới quan của các tộc người ở đây.

Sau nghi lễ đâm trâu, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên như thấu gọi hồn thiêng sông núi, như dũng khí xua đuổi tà ma, càng làm cho buổi lễ thêm linh thiêng, tạo chất men nối kết cộng đồng trong sự thúc giục gọi mời của những điệu vũ Za zã, Tântung, của những lời ca Cha châp, Ba bói, của những câu chuyện kể...

Nhìn chung Ariêu Aza là lễ hội năm mới mang đậm nét văn hóa cổ truyền của các tộc người thiểu số ở vùng cao A Lưới nói riêng cũng như các cư dân nương rẫy cư trú trên khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung. Nhưng ở mỗi tộc người, nó góp phần làm nên tính độc đáo trong sắc thái lễ hội mùa xuân của các DTTS Việt Nam, thể hiện tính cộng đồng rõ nét trong sự cộng hưởng về hội xuân và cầu phúc.

 Lễ bỏ mã (têeng ping/Ariêu Piing)

Có thể nói, các nghi lễ sau khi chết của các tộc người thiểu số ở khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên nói chung và nhiều dân tộc trên thế giới nói riêng, nó xuất hiện từ thời nguyên thuỷ và hiện vẫn được bảo lưu khá đậm nét. Tuy nhiên, những hoạt động này ở mỗi tộc người lại có những nét khác nhau, mang đậm bản sắc và có thể xem như là một hoạt động văn hoá rất phổ biến. Nghi lễ bỏ mả các tộc người thiểu số ở A Lưới như Ka tu, Pa cô cũng không nằm ngoài những yếu tố trên. Bởi trong đời sống văn hoá của các tộc người ở đây, yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, phản ánh rõ nét mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên/siêu nhiên, biểu hiện một cách sinh động trong thế giới quan tộc người... Điều này được thể hiện qua nhiều nghi lễ trong chu kỳ vòng đời như: sinh đẻ, lễ đặt tên, thành đinh, cưới, lễ lập làng, lễ làm nhà Gươl, lễ kết nghĩa, lễ hiến sinh... đã thể hiện rõ điều đó.

Trong quan niệm về thế giới vô hình và hữu hình, các tộc người Katu, Pa cô, Tà ôi đều cho rằng có một thế giới của người chết tồn tại song song và đối nghịch với thế giới thực tại của họ đang sống. Hai thế giới này tuy khác nhau bởi một màn mỏng vô hình mà mắt thường không thể nhìn thấy thế giới người chết. Quan niệm này phản ánh thái độ đối xử rạch ròi của cộng đồng tộc người đối với các thế lực thần linh/ma quỷ, lành/dữ trong mối quan hệ với con người. Do vậy, để kết thúc chu kỳ đời người thì lễ bỏ mả là một nghi lễ không thể thiếu, là sự kết nối nhiều yếu tố văn hóa, tín ngưỡng trong quan hệ giữa người sống và người chết. Vì đây là lần tiễn biệt cuối cùng mà người sống giành cho người đã khuất, cũng là sự giải phóng tâm lý đối với người sống, thể hiện ước vọng cầu mùa, nhu cầu âm nhạc, nghệ thuật tạo hình... Đó là những nét chấm phá quan trọng về thế giới của các tộc người ở A Lưới. Trong lễ bỏ mã của người Ka tu, Pa cô, các giá trị nghệ thuật được bàn tay của các nghệ nhân thể hiện những họa tiết trang trí rất sinh động trên và trong nhà mồ, chúng ta thường bắt gặp các loại tượng người phụ nữ múa, người đàn ông thổi khèn và đánh trống, người ngồi hút thuốc với chiếc tẩu dài, biểu tượng cho chủ làng. Những tượng người này thể hiện sự chia ly giữa người sống và người chết, theo cách giải thích của họ thì đây là một hình thức đánh lừa ma trong giai đoạn vĩnh biệt này. Các hoa văn khác như mặt trời, mặt trăng, các hoa Atút (lá cây đùng đình), cá, gà, chim,... đều thể hiện một tư duy lưỡng hợp mang tính hài hoà, những con vật này thể hiện được mối quan hệ xã hội giữa nhà trai, nhà gái mang tới [Luật tục của các tộc người ở đây quy định, trong lễ nghi này, khi nhà trai mang lễ vật tới đóng góp cho nhà gái, sản phẩm thường là các con vật 4 chân, biểu hiện cho sức mạnh của nhà trai, còn nhà gái lại mang tới những con vật hai chân, thể hiện sự cần cù của gia đình nhà gái]. Ngoài ra, cũng có thể linh hồn của chúng khi chết sẽ về bên nhà mồ, kéo theo bầy đàn của chúng để đi theo người chết qua thế giới bên kia.

Trong lễ bỏ mả, nghệ thuật diễn xướng của các tộc người ở đây thể hiện rất đặc trưng. Khi trâu đã vào cột thì suốt đêm, tiếng cồng, chiêng, cùng tiếng trống... nổi lên, nhiều vũ điệu Tân tung của đàn ông, phụ nữ Zazã đều đi vòng quanh con trâu nhảy theo nhịp trống, cồng, chiêng...

Đây là giai đoạn chuyển tiếp cuộc chia ly nên lễ bỏ mả thường kéo dài nhiều ngày cho vơi bớt niềm thương nhớ, cũng như người sống sẽ được hồn thiêng che chở. Là giai đoạn cuối cùng của vòng đời, kết thúc bằng nghi lễ ma chay để từ đó, bắt đầu một hành trình mới về với tổ tiên. Từ nay hồn người chết thuộc một thành viên của Yàng Camoách/ Yàng cu múi. Đó là một cuộc tiễn đưa người thân đến nơi tổ tiên của họ.

Lê Loan
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.718.649
Truy câp hiện tại 8.146