Dấu ấn một công trình
Những năm trước đây, nói đến A Lưới là nói đến một nơi nào đó rất xa, rất khó khăn; ngay cả phố huyện lúc ấy cũng mang trong mình sự lặng lẽ, u tịch của núi rừng. Thế nhưng, bây giờ đổi khác. Anh Nguyễn Đức Phong, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện A Lưới thông tin: “Những năm trở lại đây, A Lưới có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân hằng năm tăng 15%. Đặc biệt, các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch tăng hơn 17%. Hiện tại, địa phương đang tập trung chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng, công nghiệp điện, du lịch dịch vụ…”.
Chúng tôi được anh Phong dẫn đi thăm các hạng mục công trình thuỷ điện A Lưới (TĐAL) - một công trình trọng điểm vùng phố núi này. Thủy điện A Lưới còn là công trình trọng điểm ở khu vực miền Trung, với công suất lắp đặt máy 170 MW. Dự án đã góp phần giảm bớt sự thiếu hụt điện năng trong giai đoạn hiện nay; có tổng mức đầu tư 3.234 tỷ đồng.
Nhiều lao động ở địa phương đã trở thành công nhân vận hành nhà máy TĐAL
Đường dẫn lên công trình đập dâng nhà máy TĐAL là một trong cả chục con đường được mở ra để phục vụ việc thực hiện các hạng mục công trình. Trước đây, những con đường này chỉ là đường mòn khuất trong lau lách, nay trở thành những huyết mạch giao thông quan trọng phục vụ cho cả dân sinh, du lịch và đảm bảo quốc phòng an ninh. Công trình đập dâng, cụm đầu mối của nhà máy TĐAL có cao trình 555m, tạo nên hồ chứa diện tích hơn 820ha, với dung tích hơn 60 triệu m3; không chỉ cung cấp cho hoạt động của nhà máy mà còn tạo nên điểm danh thắng phục vụ cho du lịch sinh thái ở A Lưới và mở ra tiềm năng phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt cho người dân.
Ông Trương Công Giới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ điện miền Trung cho biết: Thực hiện chủ trương nâng cao tính cạnh tranh, đẩy mạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh trong thị trường buôn bán điện, cách đây 10 năm, ngay sau khi được thành lập, Công ty Thuỷ điện miền Trung đã tập trung thực hiện dự án đầu tiên, đầu tư xây dựng nhà máy TĐAL. Lũy kế từ khi nhà máy phát điện đến nay, công ty đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 1.250 triệu Kwh điện, doanh thu đạt gần 1.200 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 190 tỷ đồng.
|
Khu tái định cư TĐAL thuộc xã Hồng Thượng. Asáp và Ađên là 2 làng mới được thành lập, với 106 hộ dân của các xã Sơn Thủy, Hồng Thượng và xã Hồng Thái di dời đến nơi ở mới thuộc dự án TĐAL. Anh Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng cho biết: Khu tái định canh, định cư mới cho 106 hộ dân được quan tâm đầu tư với tổng kinh phí hơn 46 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục kiến trúc hạ tầng quan trọng như cầu bắc qua sông Asáp, hơn 10km đường giao thông nông thôn, các hạng mục công trình dân sinh như điện, đường, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang và 106 ngôi nhà kiên cố, đảm bảo tiện nghi sinh hoạt từ bếp ăn đến nhà vệ sinh cho đồng bào. Anh Hồ Thanh Vĩnh, người dân tộc Pacô, vui mừng: “Từ ngày có công trình TĐAL, tôi đã trở thành công nhân nhà máy TĐAL, với mức lương bình quân hằng tháng hơn 10 triệu đồng”...
Đánh thức tiềm năng
Việc đầu tư dự án TĐAL đã thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ ở địa phương phát triển, góp phần thực hiện chính sách kích cầu trong giai đoạn khó khăn nhằm phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. A Lưới đang chuyển mình theo nhịp sống mới, hiện đại hơn, hối hả hơn. Nhiều lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành công nhân tham gia vận hành nhà máy TĐAL, có thu nhập cao. Việc phát huy lĩnh vực công nghiệp là hướng đi đúng đắn, sẽ kích cầu, thúc đẩy nền kinh tế đa dạng, nhiều thành phần phát triển, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; khơi dậy tiềm năng vốn có của vùng đất.
Công nghiệp phát triển, đã thúc đẩy giao thương, hình thành các ngành nghề dịch vụ ở A Lưới. Tại trung tâm huyện lỵ, các lĩnh vực dịch vụ, thương mại đang trên đà phát triển khá mạnh, nhất là dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, vận tải, xăng dầu... đang tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Hệ thống các điểm phân phối hàng hóa bán lẻ cũng được phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của người dân. Các công trình, dự án thuỷ điện đã và đang làm thay đổi diện mạo cho vùng đất biên cương này. Từ một vùng đất nghèo, phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhưng nay A Lưới đang từng ngày “thay da, đổi thịt”. Đáng chú ý là sự phát triển lĩnh vực công nghiệp này đã kéo theo các thành phần kinh tế tư nhân phát triển, chiếm đến 60% tổng giá trị sản xuất của huyện, đưa bình quân thu nhập đầu người đạt trên 16 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11%, và nhiều chỉ tiêu quan trọng của A Lưới đã thực hiện vượt kế hoạch trong năm 2014…
Cùng với các công trình thuỷ điện, các lĩnh vực du lịch dịch vụ phát triển, các tuyến đường 74, 71 và QL 49A đang được nâng cấp, tất cả sẽ trở thành động lực rất lớn giúp A Lưới hội đủ điều kiện khai thác và phát huy tiềm năng thế mạnh của mình, để trở nên sôi động với vai trò là một đầu mối quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây của Tiểu vùng sông Mê Kông.