Đợt khảo sát này được thực hiện từ ngày 15/10 đến 30/10/2010, tập trung vào 6 nhóm đối tượng sau:
1. Quân nhân, công an nhân dân: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan - binh sĩ thuộc QĐND; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật và hạ sĩ quan chiến sĩ thuộc CAND nhập ngũ từ tháng 5/1975 trở về sau, có thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ tháng 01/1979 đến 31/ 8/1989; trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các xã, huyện thuộc biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 07/01/1979; trực tiếp tham gia truy quét Ful-rô ở một số địa bàn thuộc Tây Nguyên từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1992; ở biên giới phía Bắc từ tháng 02/1979 đến ngày 31/12/1988 và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/8/1988.
Các đối tượng trên đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 01/4/2000 (kể cả trường hợp đã từ trần) hiện nay không hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động, bệnh binh hoặc đang công tác có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (trừ nghỉ hưu xã và đang công tác ở cấp xã).
2. Công nhân viên chức quốc phòng, công nhân viên chức công an, công nhân viên chức Nhà nước, chuyên gia và cán bộ dân sự các ngành có tham gia trực tiếp làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ tháng 01/1979 đến 31/8/1989; trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến 07/01/1979, phía Bắc từ tháng 02/1979 đến 31/12/1988; trực tiếp tham gia truy quét Ful-rô ở một số địa bàn thuộc Tây Nguyên từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1992 và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/8/1988.
Các đối tượng trên đã thôi việc trước ngày 01/01/1994 (kể cả trường hợp đã từ trần) hiện nay không hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động, hoặc đang công tác có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (trừ nghỉ hưu xã và đang công tác ở cấp xã).
3. Cán bộ dân chính Đảng, cán bộ xã, phường, thị trấn (tương ứng với chức danh được quy định theo Thông tư 13/NV ngày 04/9/1972 của Bộ Nội vụ hướng dẫn và quy định cụ thể việc tính thời gian công tác của công nhân viên chức Nhà nước) trực tiếp làm nhiệm vụ tại các xã, huyện biên giới có xảy ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến 07/01/1979, phía Bắc từ tháng 02/1979 đến 31/12/1988; trực tiếp tham gia truy quét Ful-rô ở một số địa bàn thuộc Tây Nguyên từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1992 đã thôi việc trước ngày 01/01/1994 đối với cán bộ cấp huyện (kể cả trường hợp đã từ trần) hiện nay không hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động hoặc đang công tác có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (trừ nghỉ hưu xã và đang công tác ở cấp xã).
4. Dân quân tự vệ (du kích), công an viên được tổ chức và quản lý của cấp xã trở lên đã trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các xã, huyện thuộc biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 07/01/1979; ở biên giới phía Bắc từ tháng 02/1979 đến 31/12/1988 hiện nay không hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động hoặc đang công tác có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (trừ nghỉ hưu xã và đang công tác ở cấp xã).
5. Thanh niên xung phong tập trung sau ngày 30/4/1975 được biên chế trong các tổ chức, trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến 07/01/1979; biên giới phía Bắc từ tháng 02/1979 đến 31/12/1988; giúp bạn Lào từ tháng 5/1975 đến 31/12/1988; giúp bạn Campuchia từ 07/01/1979 đến 31/8/1989 hiện nay không hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động hoặc đang công tác có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (trừ nghỉ hưu xã và đang công tác ở cấp xã).
6. Quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia trong thời gian và địa bàn nêu trên đã phục viên, xuất ngũ về địa phương bị bệnh tâm thần (bao gồm cả số quân nhân bị bệnh tâm thần hiện đang điều trị tại các trại, các bệnh viện hoặc đang quản lý ở địa phương).