Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, (16-2-1947) đến nay, Nhà nước ta đã ban hành trên 1.400 văn bản pháp quy, trong đó có gần 400 chỉ thị, nghị quyết, quyết định, sắc lệnh, thông tư và hơn 1.000 văn bản hướng dẫn, nhằm cụ thể hoá các chế độ, chính sách ưu đãi người có công. Những văn bản này đã trở thành một hệ thống chính sách tương đối chặt chẽ, đầy đủ và được thực hiện thống nhất trong cả nước (theo Tạp chí Ban Tuyên giáo).
Trong 05 năm qua (2007 – 2012), huyện A Lưới đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng mà Đảng và Nhà nước đã ban hành và tổ chức vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiếp tục xây dựng nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa - xã hội của huyện nhà.
Địa bàn A Lưới là vùng chiến lược quan trọng, là căn cứ kháng chiến, nơi diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt giữa ta và địch trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong cuộc kháng chiến đó, nhân dân các dân tộc A Lưới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đóng góp của cải, con người để giữ cho được căn cứ địa. Chiến tranh đã đi qua, hậu quả để lại là hàng ngàn người bị thương và hy sinh, số còn sống sót cũng bị nhiễm chất độc hoá học…, theo thống kê có trên 8.000 người có công với cách mạng. Để giải quyết chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người đã cống hiến sức người, sức của trong cuộc chiến vừa qua, toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở và nhân dân trong toàn huyện đã tổ chức và triển khai tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công và đã đạt một số kết quả đáng kể.
Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng và phòng trào “Đền ơn đáp nghĩa” được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc.
Bên cạnh đó, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, UBMTTQVN huyện cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng hiện đang sống cô đơn không nơi nương tựa.
Đến nay, đã xác nhận, công nhận các chế độ, chính sách cho 1.101 người (trong đó có 01 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 14 Thương binh, 41 Bệnh binh, 74 Người có công với cách mạng, 100 Người HĐKX bị nhiễm chất độc hóa học, 05 Tuất liệt sĩ, 62 Tuất thương, bệnh binh, Trợ cấp 1 lần Huân, Huy chương cho 804 đối tượng). Tổng kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng và một lần lên tới 297.700.000.000đ
Cắt băng khánh thành Nhà bia ghi danh liệt sỹ tại xã Hồng Kim
Việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công đã tác động đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương; được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng; trở thành tình cảm thiêng liêng trong đời sống xã hội. Một số chính sách còn tồn đọng và những vấn đề mới nảy sinh đã và đang được giải quyết một cách tích cực, khẩn trương như: xác nhận Liệt sĩ, qui tập mộ Liệt sĩ, các công trình ghi công Liệt sĩ, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khoẻ, chính sách tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm phát triển sản xuất, giảm nghèo… Cùng với chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã đạt được những thành tựu to lớn, phát huy được sức mạnh và sự tham gia của toàn xã hội, với phương châm: “Xã hội hoá công tác chính sách” đã có tác dụng mạnh trên toàn huyện, thu được nhiều thành tích, có ý nghĩa to lớn, làm cho chủ trương của Đảng về công tác chính sách ngày càng sâu rộng trong cộng đồng người dân. Hiện tại, huyện đã nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ với tổng kinh phí 3.478.965.000đ; Xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Hồng Kim, Hương Nguyên và thị trấn A Lưới với tổng kinh phí gần 800.000.000đồng. Vận động cán bộ công chức huyện và các cơ quan tỉnh đóng trện địa bàn đóng góp quỹ “đền ơn đáp nghĩa” đạt gần 700.000.000đồng. Trong thời gian qua, đã phát hiện, báo tin, qui tập 10 hài cốt liệt sĩ liệt sĩ trên địa bàn huyện. Hàng năm tiếp đón, hướng dẫn tìm kiếm và thăm viếng mộ liệt sĩ cho trên 300 đoàn.
Tặng Nhà tình nghĩa cho bà Hồ Thị Lan tại Thị trấn
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người có công giải quyết nhà ở, xóa nhà tranh tre, dột nát trên địa bàn đã có nhiều kết quả. Tính đến thời điểm này, đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 231 nhà cho gia đình người có công với tổng kinh phí là: 4.366.000.000đ (Trong đó: xây mới 114 nhà với tổng kinh phí 3.282.000.000đ, sửa chữa 117 nhà với tổng kinh phí là 1.184.000.000đ).
UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách tồn đọng như: xác nhận thương binh, công nhận liệt sĩ; cơ bản hoàn thành chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005; Quyết định số 188/QĐ-TT ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước (các địa phương đã có văn bản kết luận địa bàn giải quyết xong chế độ) và một số chế độ khác như những người có công với nước được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương…
Một số chính sách khác đã được các cấp, các ngành quan tâm như thực hiện chính sách miễn, giảm thuế đất sản xuất nông nghiệp, miễn, giảm thu thuế đất làm nhà ở, được các tổ chức đoàn thể giúp đỡ một số khâu trong sản xuất và được ưu tiên cho vay vốn sản xuất, trợ giúp giống cây trồng, vật nuôi… nhờ vậy các gia đình chính sách trong huyện từng bước được cải thiện. Hàng năm tổ chức bình quân cho trên 1.000 đối tượng điều dưỡng tại gia đình, Lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thăm hỏi và tặng quà nhân ngày lễ, tết.
Song song với việc hoàn thiện chính sách, UBND huyện cũng đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền nhằm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, biểu dương những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng vượt lên khó khăn, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong cuộc sống. Đồng thời, làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, nhận thức rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong và ngoài nước, từ đó phát huy tốt hơn nữa các nguồn lực trong nhân dân tham gia đóng góp tích cực vào hoạt động của công tác này.