Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát tiến độ thực hiện chương trình dự án nhà gươl truyền thống các dân tộc xã Hồng Hạ
Ngày cập nhật 21/12/2017

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện A Lưới cùng các phòng, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân xã Hồng Hạ khảo sát tiến độ thực hiện Chương trình Dự án Nhà Gươl truyền thống các dân tộc xã Hồng Hạ, huyện A Lưới.

Nhà Gươl truyền thống các dân tộc xã Hồng Hạ được xây dựng tại Thôn Cân Tôm, xã Hồng Hạ. Thời gian khởi công dự án là Quý I/2017 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng Quý I/2018. Với tổng kinh phí Chương trình mục tiêu hỗ trợ: 7.050.000.000 đồng.

Công trình được xây dựng trên khu đất có diện tích: 7.699m2. Với thiết kế tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, các quy định, nghị định. Mang tính truyền thống của đồng bào, nhẹ nhàng, thông thoáng, đơn giản phù hợp với kiến trúc nhà Gươl. Công trình được lấy mái dốc làm chủ đạo, mái nhà lợp ngói, các chi tiết cấu tạo đảm bảo hạn chế tác dụng của khí hậu nắng nóng, mưa nhiều của khu vực. Công trình được tạo từ 1 khối cơ bản: Hình Ovan với chiều cao 02 tầng hợp lý về hình khối, giao thông…. Hành lang của công trình được bố trí ở sảnh chính và hai bên tạo thành một hệ thống giao thông mạch lạc và thuận tiện khi sử dụng. Công trình sử dụng chủ yếu thống nhất theo phương vị ngang kết hợp với phương vị đứng, từ hệ thống cửa sổ đồng bộ được so hàng ngang dọc thẳng lối đến các mảng đặc làm điểm nhấn trên mặt đứng công trình. Thiết kế mặt đứng công trình mang dáng vẽ nhà truyền thống của người Cơ Tu, bên ngoài hành lang và trên các mảng tường trang trí những hình tượng diễn ra hàng ngày gắn liền với sinh hoạt của người Cơ Tu như hình những con vật thân quen, đầu trâu, tượng các trai làng múa hát cùng những thiếu nữ, ảnh những lễ hội đâm trâu, săn bắt thú rừng, ở giữa nhà có một cột cái vững chắc tượng trưng cho linh hồn của làng, trên đỉnh mái hai đầu nóc có gắn hình 2 chú gà, ở giữa nóc có hình đầu trâu,… mọi hình ảnh tạo nên một mô hình kiến trúc nhà Gươl truyền thống của đồng bào.

Việc xây dựng nhà Gươl truyền thống nhằm bảo tồn văn hóa vật thể hiện có trên địa bàn xã theo hướng mô phỏng, hài hòa, hội nhập và đảm bảo sự bền vững lâu dài; đồng thời, đảm bảo địa điểm, không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống thường xuyên trên địa bàn xã nói riêng và huyện A Lưới nói chung. Nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu cũng là kiến trúc được xây dựng nhằm tạo không gian sinh hoạt chung cho dòng họ, cộng đồng khi có sự kiện lễ hội lớn, tổ chức hội họp.

Việc bảo tồn, khôi phục lại kiến trúc nhà ở, không gian làng, bản truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới là vấn đề quan trọng và hết sức cấp bách, không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà trước hết đó là nhiệm vụ chính trị để củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo cơ sở vững chắc để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mặt khác, huyện A Lưới là huyện có tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch lịch sử và du lịch văn hóa, nếu tập trung đầu tư bảo tồn làng văn hóa, xây dựng kiến trúc nhà truyền thống, khôi phục các đồ dùng sinh hoạt và công cụ sản xuất; phục hồi và duy trì nghề thủ công truyền thống, khôi phục các lễ hội, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống... của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới sẽ là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nhà Gươl truyền thống là một thiết chế văn hóa tiêu biểu, độc đáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, đời sống xã hội và tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc xã Hồng Hạ nói chung và các dân tộc huyện A Lưới nói riêng. Nó là một di sản quý cho hôm nay và mai sau. Giữ được nhà Gươl truyền thống là giữ được linh hồn của làng, giữ được đời sống tinh thần phong phú và đa dạng, bắt rễ sâu vào truyền thống nhưng cũng vươn tới những giá trị mới phù hợp với xu thế đi lên phát triển của xã hội.

Vì thế trong cộng đồng dân cư các dân tộc trên địa bàn xã Hồng Hạ nói riêng và huyện A Lưới nói chung không thể thiếu vắng nhà Gươl truyền thống, bởi đây là một phần quan trọng của bản sắc văn hóa truyền thống mà các dân tộc đã sáng tạo nên và nuôi dưỡng từ đời này qua đời khác, để đóng góp vào di sản văn hóa chung của các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Mặt khác, Dự án nhà Gươl truyền thống của người Cơ Tu xây dựng cạnh thác Pâr le sẽ tạo thành một hình ảnh hấp dẫn thu hút du khách gần xa, lãnh đạo xã Hồng Hạ kết hợp với người dân xây dựng mô hình nhà nghỉ theo dạng Homestay cạnh thác và nhà Gươl truyền thống sẽ tạo thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, đồng thời mang lại kinh tế cho nhân dân xã Hồng Hạ.

Cũng trong dịp này, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới cũng đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn ngân sách, lồng ghép giữa các chương trình, dự án về phát triển văn hóa các DTTS của Trung ương, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa góp phần tu bổ, bảo tồn di tích các làng, thôn truyền thống của các DTTS. Tiếp tục cung ứng thêm ngân sách để hoàn thành công trình xây dựng nhà Gươl truyền thống các dân tộc xã Hồng Hạ. Quan tâm, hỗ trợ các chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2018 để triển khai thực hiện các dự án chống xuống cấp, tu bổ tôn tạo di tích; dự án sưu tầm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; Đặc biệt quan tâm đầu tư các dự án: trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng; Bảo tồn làng, thôn truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới.

Một số hình ảnh tại đợt khảo sát

Văn Thị Thi Thi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.280.663
Truy câp hiện tại 4.188