Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hội nghị Xúc tiến du lịch huyện A Lưới 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp
Ngày cập nhật 20/05/2024

Trong khuôn khổ “Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV năm 2024 tổ chức tại huyện A Lưới. Ngày 16/5 UBND huyện A Lưới phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Xúc tiến Du lịch A Lưới năm 2024.

Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch; đồng chí Nguyễn Văn Hải - UVTV, Phó Chủ tịch UBND huyện. Tham dự đồng chí Trần Minh Tân – Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển Du lịch, Sở Du lịch; đồng chí Trương Thành Minh – Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh; đồng chí Pi Loong Mái - UVTV, Chủ tịch UBMTTQVN huyện A Lưới, đồng chí Hồ Thị Lan Hương - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ. Lãnh đạo phòng ban cấp huyện, đơn vị lực lượng vũ trang, công an huyện; đại diện lãnh đạo các xã và các HTX, điểm du lịch trên địa bàn. Đặc biệt sự có mặt của 13 công ty lữ hành đến từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tổ chức Helvetas tại Việt Nam; Hội Lữ hành.

Qua chuyến khảo sát, qua những thước phim, tập gấp và báo cáo, các công ty lữ hành đã nắm bắt được những tiềm năng thế mạnh định hướng phát triển du lịch A Lưới trong tương lai. A Lưới là mảnh đất căn cứ địa cách mạng, với hệ thống 72 điểm di tích lịch sử, trong đó có 12 điểm được cấp trung ương, tỉnh công nhận, điểm nhấn là đường Hồ Chí Minh huyền thoại là di tích cấp Quốc gia Đặc biệt; Địa điểm chiến thắng Đồi A Bia xã Hồng Bắc và Địa điểm chứng tích chất hoá học của Quân đội Mỹ tại Sân bay A So là DTLS cấp Quốc gia; con người nơi đây thân thiện hiếu khách; Văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, hiện có 02 Di sản cấp Quốc gia đó là Nghề dệt thổ cẩm Dèng của dân tộc Tà Ôi và Lễ hội A Da Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô; Hệ thống sinh thái suối thác dày đặc, đẹp, vẫn còn hoang sơ như thác A Nôr, thác Tà Rê, thác Pông Chất, suối A Lin, suối Pâr Le, suối Cân Te, suối Cân Tôm, suối A Rưm, sông A Sáp, đặc biệt khí hậu A Lưới mát mẻ, trong lành được ví như Cổ máy điều hoà khổng lồ mà bạn phải đến A Lưới mới hít thở được.

 Với lợi thế trên, A Lưới xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, đột phá trong chương trình phát triển kinh tế xã hội nhằm từng bước chuyển dịch ngành nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, Chương trình kế hoạch quan trọng như Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 30/10/2012 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện (khóa X) về xây dựng và phát triển Văn hóa, Du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Chương trình phát triển văn hóa, du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết 04-NQ/HU ngày 29/7/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII về phát triển du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Từ những năm 2010 bà con nhân dân đã phát triển du lịch, tuy nhiên đến năm 2012 mới phát triển mô hình du lịch cộng đồng làng du lịch cộng đồng A Ka A Chi xã A Roàng;  Năm 2016 du lịch A Lưới được mở rộng thêm từ quy mô, các mô hình dịch vụ đến các hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú như làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (Hồng Kim), Pâr Le (Hồng Hạ), A Hưa (Quảng Nhâm). Giai đoạn 2021 - 2024 mở rộng thêm du lịch cộng đồng A Lin (Trung Sơn), A Roàng 2 (A Roàng), Cân Te 2 (Hương Phong).

Hiện nay đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hoá cộng đồng và đang có mô hình du lịch trải nghiệm mới đó là du lịch treckking, tour sinh tồn trong rừng nguyên sinh.

 Có 05 làng văn hoá du lịch cộng đồng, 24 điểm du lịch đang khai thác phát triển khá tốt, 33 cơ sở lưu trú (trong đó 24 homestay, 09 Nhà nghỉ) với công suất trên 800 khách/thời điểm. Các loại hình kinh doanh dịch vụ khá đa dạng, phong phú như: dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch trải nghiệm, trekking, dịch vụ mua bán các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương và các dịch vụ giải trí, tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật, chợ phiên vùng cao, văn nghệ dân gian, ẩm thực, Chương trình một ngày làm người Pa Cô, khai thác rượu Đoác, tour sinh tồn trong rừng nguyên sinh, đan chiếu, dệt Dèng…  

Những sản vật nông sản từ núi rừng, những sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt Dèng thổ cẩm, đan lát mây tre, làm chổi đót… ngày càng được du khách ưa chuộng. Chuối già lùn đạt tiêu chuẩn VietGAP và chất lượng OCOP 3 sao. Việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực như chuối, hoa Tulip, hoa Ly, rau sạch, cá Tầm, sâm Bố Chính …đã tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình, góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững.

Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, vật chất tại huyện A Lưới khá đảm bảo, đường giao thông nối từ thành phố đến A Lưới đã được mở rộng, đường 74 nối từ Nam Đông – A Lưới đang được nâng cấp, đường Hồ Chí Minh xuyên qua các tỉnh trên dãy Trường Sơn luôn ổn định. Thông tin liên lạc tại điểm du lịch, các homestay đảm bảo. Quốc phòng - An ninh ổn định, an toàn cho du khách.

Du lịch A Lưới tiếp tục khẳng định mình trên bản đồ du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, với những kết quả nổi bật, năm 2019 làng DLCĐ A Nôr (Hồng Kim) được chọn 1 trong 3 làng DLCĐ tiểu biểu của Việt Nam; Năm 2020 tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng của tỉnh, năm 2022 trở thành sản phẩm OCOP hạng 3 sao về du lịch cộng đồng đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với những tiềm năng, cơ sở vật chất hiện có khách du lịch đến A Lưới ngày càng tăng, giai đoạn 2015 – 2020 tổng lượt khách tham quan du lịch ước đạt khoảng 212.945 lượt người; Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covit nhưng khi hoạt động trở lại khách du lịch vẫn khá cao, tổng lượt khách đạt 24.000 lượt; Năm 2022, tổng lượt khách đạt 69.532 lượt; Năm 2023, tổng lượt khách đạt 72.000 lượt, tổng doanh thu đạt 36 tỷ. Năm 2024 dự ước khoảng đạt 75.000 lượt, ước doanh thu 37,5 tỷ đồng.

Ngày 04/05/2024 Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 51577/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu đối với Nhãn hiệu “Du lịch A Lưới, điều này sẽ tạo điều kiện cho du lịch A Lưới ngày càng khẳng định vị thế, thương hiệu, tạo dựng lòng tin để khách hàng lựa chọn, sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm từ du lịch A Lưới, dễ dàng nhận diện thương hiệu, đồng thời tạo điều kiện cho du lịch A Lưới vươn mình hơn nữa trong nước, khu vực và quốc tế.

Tại hội nghị, Quý vị đại biểu của Sở Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Hội Lữ hành, Tổ chức Helvetas tại việt Nam, các công ty lữ hành đã nhận thấy những tiềm năng lợi thế thiên nhiên ban tặng cho A Lưới, đồng thời ghi nhận những chủ trương đường lối, sự nỗ lực phấn đấu từng ngày không  chỉ của mỗi cá nhân mà cả hệ thống của huyện A Lưới trong phát triển du lịch; với một huyện bước đầu phát triển du lịch còn non trẻ nhưng có được như ngày hôm nay đó là sự thành công rất lớn của huyện nhà và cần tiếp tục phát huy hơn nữa. Bên cạnh đó các công ty cũng mong muốn A Lưới cần hoàn thiện hơn nữa từ khâu quy hoạch, đi sâu hơn nữa khai thác phát triển du lịch văn hoá bản địa, quy hoạch xây dựng bản làng cổ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh công tác quảng bá, đào tạo đội ngũ Hướng dẫn viên du lịch người bản địa chuyên nghiệp, cần tương tác nhiều hơn nữa với khách du lịch; có một số công ty mong muốn được khai thác tuyến du lịch ngay trong làng bản của đồng bào, chứ không chỉ trong khuôn khổ điểm du lịch…. A Lưới là huyện miền núi, các công ty lữ hành mong muốn tạo sự thông thoáng trong quản lý khách nước ngoài thì các công ty mới mạnh dạn kết nối khách đến A Lưới.  

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị 

 

Sau khi nghe ý kiến của toàn thể đại biểu đồng chí Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch đã ghi nhận, cảm ơn, đồng thời chỉ đạo các Phòng, Trung tâm Xúc tiến Du lịch triển khai ngay một số nội dung như quảng bá trên Hue-S, kênh chính thống và các nền tảng mạng xã hội; mở lớp đào tạo nghiệp vụ Hương dẫn viên du lịch, tiếng Anh ngắn hạn; tiếp tục nghiên cứu các chương trình quan trọng khác để hỗ trợ A Lưới phát triển du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hải - UVTV, Phó Chủ tịch UBND huyện gửi đến lời cảm ơn sâu sắc nhất đến Sở Du lịch, các Phòng của Sở, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Hội Lữ hành, các công ty lữ hành tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã chủ trì, tham dự, đóng góp ý kiến, đã kết nối khách du lịch từ trước đến nay; cảm ơn chân thành đến Sở Du lịch đã hỗ trợ huyện kết nối, đưa đón các công ty lữ hành tham dự Hội nghị. Sau Hội nghị này, đồng chí hy vọng du lịch A Lưới ngày càng khởi sắc. Huyện A Lưới xin hứa lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp, phấn đấu, nỗ lực thay đổi toàn diện, căn bản môi trường du lịch thân thiện, hiếu khách, chất lượng.

Sáng nay các đại biểu, các Công ty Lữ hành đã khảo sát điểm du lịch sinh thái Cân Te 2 xã Hương Phong, với các trải nghiệm trỉa lúa, đan ân chá (a lấ), xúc cá, chèo thuyền, trải nghiệm vườn hữu cơ; tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr xã Hồng Kim trải nghiệm xông răng, giã gạo, làm bánh,  ngâm chân, xoa bóp bấm huyệt, trải nghiệm farmstay nông nghiệp. Tham Khu Làng Văn hoá các dân tộc huyện A Lưới./.

Một số hình ảnh tại các điểm khảo sát

Phạm Tuyết
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.074.780
Truy câp hiện tại 10.869