Nghề dệt Dèng của đồng bào các dân tộc ở huyện A Lưới vinh dự được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia, đồng thời đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chủ chứng nhận là Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới.
Dệt Dèng A Lưới đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng và du khách trong ngoài nước qua các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, các kỳ hội chợ, triển lãm và đặc biệt, trong năm 2013 và 2015, 2017 vải Dèng thổ cẩm của A Lưới được trình diễn trên sân khấu thời trang qua bộ sưu tập của các nhà thiết kế thời trang. Hiện nay, dệt Dèng đã vươn xa khi được nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu ở Nhật Bản, Pháp… Vừa qua, tại Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, năm 2019 tổ chức tại A Lưới đã giới thiệu, tôn vinh và trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chủ chứng nhận cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới.
Sự độc đáo của những hoa văn Dèng được doanh nhân Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Xưa sáng tạo, thiết kế nên những đôi giày từ chất liệu Dèng thổ cẩm cùng sự tỉ mỉ của nghệ thuật chạm khắc tỉ mỉ trên từng đế giày mang đậm bản sắc dân tộc Việt.
“Là đơn vị đầu tiên ứng dụng Dèng vào sản phẩm giày dép nên tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019, trước mắt, công ty sẽ ra mắt một số mẫu giày làm từ Dèng, sau đó tiếp thu, nghiên cứu thị hiếu, từ đó phát triển thêm nhiều mẫu mới”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Những đôi giày làm từ Dèng kết hợp với gót được chạm khắc hoa văn tinh xảo lần đầu tiên ra mắt tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 đã nhanh chóng kết nối được với các thị trường khác ở Pháp, Nhật nhờ sự cách tân sáng tạo về mẫu mã, kiểu dáng cũng như những chi tiết thể hiện nét văn hóa của dân tộc Việt trên từng sản phẩm.
Cũng trong dịp Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, năm 2019 tổ chức tại A Lưới, những đôi giày Dèng này được đông đảo du khách quan tâm, đón nhận mua sắm. Những đôi giày này ngoài việc kết hợp với trang phục truyền thống, thì những sản phẩm mới từ Dèng của Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh còn phù hợp với những bộ áo quần trẻ trung, khỏe khoắn cho mọi lứa tuổi.
Sự kết hợp sáng tạo thổ cẩm Dèng trên những đôi giày góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, duy trì và phát triển những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới và đồng thời cũng là cơ hội cho sản phẩm Dèng thổ cẩm được nhiều người biết đến, góp phần quảng bá, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của A Lưới.
Một số hình ảnh của giày làm từ chất liệu Dèng truyền thống: